
- 28/05/2023 10:41:00 AM
- Đã xem: 22
- Phản hồi: 0
Đầu thế kỉ XX, phong trào Đờn ca tài tử phát triển lan rộng khắp Nam Bộ, nhiều ban đờn ca nổi tiếng phân bố khắp các địa phương như: Sài Gòn, Long An, Bạc Liêu, Sa Đéc, Rạch Giá,… Lúc này Đờn ca tài tử lại tiếp tục chia thành hai khối là khối tài tử miền Đông người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi ở Cần Đước và khối tài tử miên Tây do ông Trần Quang Quờn ở Vĩnh Long đại diện. Cả hai khối đều có những cố gắng lớn trong việc cải soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy và truyền bá nền âm nhạc tài tử theo cách thức riêng của mình. Cho đến lúc này, số lượng bài bản tài tử đã rất phong phú và đa dạng. Nhạc mục tài tử ngoài số bản của nhạc lễ đưa sang còn có rất nhiều bài bản khác được cải soạn theo phong cách tài tử từ một số bản nhạc cổ truyền của Huế, hoặc là những sáng tác mới của các tài tử bậc thầy. Tuy nhiên, khi hệ thống lại, người ta trước hết nói đến 20 bài bản tổ (còn gọi nhị thập huyền tổ bản), được cho là do nhạc sư Nguyễn Quang Đại (hay còn gọi thầy Ba Đợi) đúc kết, mà những bài bản này đã được các nghệ sĩ trong giới công nhận là tinh hoa của âm nhạc Đờn ca tài tử cho đến ngày nay.