Kiến An Cung bắt đầu khởi công xây dựng từ năm Giáp Tý (1924) đến mùa thu năm Đinh Mẹo (1927) thì hoàn thành. Chùa Kiến An Cung được xây dựng theo kiểu chữ “Công”. Chùa gồm 03 gian: gian giữa là điện thờ (Kiến An Cung), gian bên tả là trụ sở tập hiền, gian bên hữu là trường giáo dục con cháu.
Kiến trúc đặc sắc của Kiến An Cung là mái ngói được làm rất công phu, tỉ mỉ gồm 3 lớp: mặt trên là ngói- mặt giữa là gạch- cuối cùng là ngói. Ngói được lợp theo gợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo kiểu “Ngũ hành”. Mỗi đầu ngọn sóng là một cung điện thu nhỏ, bao gồm có 6 cung điện. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn.
Ở mái trước cửa ra vào có 4 chậu hoa được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, giữa có tấm hoành phi có đề “Kiến An Cung”. Trên cửa ra vào có 6 con lân gỗ thếp vàng, ở mỗi mặt của cánh cửa đều được vẽ cảnh sinh hoạt của vua chúa và quan ngày xưa. Cửa chính có các bức tranh được thể hiện theo lối thủy mặc, từng đường nét uyển chuyển, sắc bén, còn cửa hai bên lại có chạm khắc hoa sen, chim thú.Trước cửa chánh điện được đặt hai con kỳ lân bằng đá xanh, miệng đang ngậm trái châu, chạm khắc tinh xảo. Hai bên tả, hữu là 2 vị thần Thiện - Ác. Vào bên trong là sân lộ thiên nhỏ là nơi làm chỗ cúng tế. Những cột lớn trong chánh điện, các tấm hoành phi, bao lam, đối liễn đều được chạm trổ hoa lá, chim muông lộng lẫy, tôn nghiêm.
Chánh điện là nơi thờ các vĩ nhân trong văn hóa Trung Hoa như: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quan Công (Quan Vân Trường), Quảng Trạch (Ông Quách Thánh Vương Công). Ngoài ra còn có hai vị thần được thờ ở hai bên trong gian chánh điện, bên tả là Thanh Thủy Tổ Sư nguyên là thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân, bên hữu là Bảo Sanh Đại Đế có nhiệm vụ bảo vệ sanh mệnh của các vị vua chúa. Từ khi xây dựng đến nay, chùa đã được trùng tu ba lần nhưng vẫn nằm tại vị trí cũ. Mỗi năm chùa có hai lễ hội lớn vào ngày 22-2 và 22-8 âm lịch mang ý nghĩa cầu cho quốc thới dân an.
Với lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa độc đáo, lộng lẫy và trang nghiêmđược sắp đặt khéo léo với nghệ thuật chạm khắc rất tinh xảo mang trong mình một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, Chùa Kiến An Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27-4-1990.
Tác giả bài viết: PNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn