Chiếc đèn dầu

Thứ tư - 26/07/2017 14:23
Đèn dầu, một vật dụng thân quen có mặt trong mọi gia đình, gắn bó với cuộc sống của người dân quê miền Tây Nam bộ, hay nhiều nơi khác trên khắp mọi miền đất nước và thế giới, từ người bình dân đến bậc trưởng giả đều sử dụng qua. Cho đến khi thành thị có điện thắp sáng, đèn dầu vẫn được các gia đình lau chùi cất kỹ dự trữ phòng khi cúp điện.
Chiếc đèn dầu

Đèn dầu bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, khi hãng dầu lửa Shell (thời đó gọi là hãng Con Sò) của Mỹ mang dầu hỏa sang bán ở Việt Nam. Thời đó, người dân Việt Nam quen dùng dầu lạc hay nến (bạch lạp) để thắp sáng mà không quen dùng dầu hỏa. Để tiếp thị, hãng Shell phát không đèn dầu cho người mua, do đó xuất hiện cái tên đèn Hoa Kỳ (đèn Huê Kỳ). Dần dần, đèn Hoa Kỳ thay thế những đĩa đèn dầu lạc và những ngọn bạch lạp. Ngày nay, ngoại trừ các vùng sâu, vùng xa chưa có lưới điện quốc gia, đèn dầu không còn là loại phương tiện chiếu sáng thông dụng ở Việt Nam cũng như ở Nam bộ. Tuy nhiên, đèn dầu vẫn còn được đặt trên bàn thờ ở các gia đình hoặc đình, chùa để “giữ lửa” và để lấy lửa thắp hương trong các kỳ cúng lễ giỗ chạp. Đèn dầu cổ đã trở thành một thú chơi cho những người sưu tập.

Đèn dầu, sử dụng dầu lửa (dầu hỏa) làm nguyên liệu đốt sáng. Đèn có các bộ phận: ống khói bằng thủy tinh để che gió; họng đèn bằng kim loại, có các thanh chắn để gắn ống khói bằng thủy tinh trong suốt (ống khói có loại tròn như trứng vịt nên gọi là đèn trứng vịt, có loại ống khói cao dùng cho những loại đèn lớn hơn), chính giữa có ống để luồng tim đèn bằng vải (bấc) dẫn dầu đốt sáng, bình chứa dầu (có loại bằng thủy tinh, có loại bằng kim loại) có chân đế loe ra để đặt đèn khỏi bị ngã.

Trong lịch sử, ở Nam bộ qua từng thời kỳ, tồn tại những loại đèn dầu được chế tạo bằng những chất liệu và nhiều hình dạng khác nhau, tùy vào kích thước, công dụng mà có tên gọi khác nhau: đèn trứng vịt, đèn bão (dùng đốt sáng cho những công việc ngoài trời cho khỏi bị gió thổi tắt), đèn tây (tọa đăng), đèn khí đá, đèn măng - xông (tiếng Pháp - Manchon), đèn trang trí treo trần nhà v.v. dầu thắp đèn cũng tận dụng nhiều loại: Có những giai đoạn dầu hỏa khan hiếm, người nông thôn tận dụng dầu cá, dầu dừa, dầu phộng, dầu trái mù u, khí đất đèn v.v. để thắp đèn.

Đèn dầu lửa có loại sản xuất nội địa, có loại được nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, "Trong cái khó ló cái khôn" với hoàn cảnh khó khăn, người dân nông thôn rất sáng tạo, tận dụng chai lọ, bình mực học trò cũng có thể "chế" thành đèn dầu thắp sáng trong gia đình rất tiện dụng.

32

Sử dụng đèn dầu để nhóm chợ (ảnh tư liệu)

Đèn luôn có mặt và gắn bó với mọi hoạt động trong đời sống con người như: dùng đèn trong nhóm chợ, mua bán trao đổi hàng hóa (chợ trên bờ và cả chợ nổi), lễ hội, học tập, lao động sản xuất và trong chiến đấu v.v.

Việc sử dụng đèn trong hoạt động học tập, lao động sản xuất, chiến đấu thường vào ban đêm, hay ban ngày ở những nơi làm việc đặc biệt, phòng làm việc thiếu ánh sáng và tùy vào tính chất công việc, một số công việc đặc thù có thể sử dụng những loại đèn đặc chủng cho thích hợp với môi trường, điều kiện nơi làm việc.

29

Học trò bên ngọn đèn dầu (ảnh minh họa)

Trong sinh hoạt tín ngưỡng hay đa số nghi thức lễ tục của đời sống con người, đèn thường được "tọa" nơi trang trọng trong không gian của từng cuộc lễ. Trong một số nghi thức tín ngưỡng của các dân tộc trên cùng một lãnh thổ quốc gia hay thế giới, việc tế lễ diễn ra thường có sử dụng đèn để thắp sáng, bởi đó là yếu tố tâm linh, thắp sáng cõi u minh tâm hồn trong tín ngưỡng của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng người mà thông qua nội dung nghi thức cúng tế đã làm cho tinh thần họ thêm thư thái, nhẹ nhàng. Trong một số nghi thức cúng tế, tùy đối tượng thờ cúng của từng cuộc lễ, con người có thể sử dụng những vật dụng để làm phương tiện cúng tế như nhang, đèn hay đuốc để kết nối thế giới con người với thế giới vô hình mà con người cầu ngưỡng thông qua hình thức cúng tế, lễ vật là động vật tươi, sống, thực phẩm hay hoa quả để tế. Thậm chí, có những bộ tộc trong lịch sử ở một số nơi trên thế giới còn có những hủ tục cúng cả đồng nam, đồng nữ v.v. và những hủ tục lạc hậu đó ngày càng được loại bỏ dần theo nếp sống văn minh của con người trong quản lý và tổ chức lễ hội ở thế giới hiện đại ngày nay.

Trong khuôn khổ không gian văn hóa Nam bộ, từ khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc chào đời nếm trải kiếp nhân sinh: sinh, lão, bệnh, tử, ở từng chặng đường đều có ánh sáng ngọn đèn soi tỏ. Ở thôn quê tĩnh mịch, đêm khuya thức giấc mẹ đốt ngọn đèn dầu cho con bú, không để con "Bú thầm" hay khi thay tả lót, lúc rọi đốt con muỗi vo ve trong mùng vào ống khói đèn chân vịt, cho con trẻ khỏi bị muỗi cắn v.v. và cứ thế, đứa trẻ theo ngày tháng lớn dần lên trong tình thương của mẹ và người thân. Ngọn đèn cứ thế song hành suốt theo dòng đời con người từ khi rời chiếc nôi tuổi thơ đến thời niên thiếu chăm lo sách đèn, trưởng thành lo công danh sự nghiệp, dựng vợ gả chồng, đến khi về già, chong đèn sớm hôm "Nghe giọt thời gian rơi" bên tách trà sau những đêm trằn trọc vì tuổi tác hay do sức khỏe xuống dần, phải thuốc thang thâu đêm, thị lực yếu kém, đèn dầu lại là người bạn mang ánh sáng soi tỏ đêm trường cùng những bậc cao niên. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, đèn là người bạn trung thành đến giây phút cuối cuộc đời, túc trực tiễn đưa ta về thế giới bên kia. Đèn dầu còn là phương tiện để cháu con, người thân nhắn gửi thông điệp tâm linh, cầu nguyện trong những dịp tế lễ, thực hiện nghi thức theo truyền thống đạo lý, tập tục của cộng đồng dân tộc.

30

Sưu tập đèn trưng bày ở Bảo tàng Đồng Tháp

Xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, đèn điện đã dần thay thế đèn dầu từ chốn thị thành đến làng quê thôn dã. Trong nhà, ngoài phố, điện khí hóa sáng choang khắp các nẻo đường cả ở đô thị và nông thôn. "Thời vàng son" đèn dầu lùi dần vào dĩ vãng, nhường chỗ cho ánh điện sáng ngời tiện ích, phục vụ nhu cầu người dân trong giai đoạn phát triển mới của thời đại. Đó là qui luật phát triển chung xã hội loài người. Song, những vật dụng tiện ích đối với người dân một thời đã qua đều có đóng góp cho thành quả tiến bộ hôm nay, và đèn dầu cũng không ngoại lệ. Vật dụng thân quen ngày nào sẽ còn trong ký ức, hiện diện trên trang sử, tác phẩm văn học, sưu tập cổ vật của những nhà yêu cổ ngoạn v.v. được gìn giữ và lưu truyền cho hậu thế./.


 

 

 

Tác giả bài viết: Đặng Văn Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

banner CDS
banner CDS
banner CDS
TKVB
 
QPPL
1022
TCD
BVHTTDL
CTTDTDT
LCT
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,181
  • Tháng hiện tại24,260
  • Tổng lượt truy cập1,129,560
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây