NGHỀ ĐÓNG XUỒNG, GHE (đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài)

Thứ ba - 02/04/2024 19:12
Địa chỉ: Ấp Long Hòa, ấp Long Hưng II, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp
Xã Long Hậu thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nằm cách thị trấn Lai Vung 3km. Rạch Bà Đài, xã Long Hậu nằm bên trái sông Lai Vung (khúc chảy qua xã Long Hậu) là nơi sản sinh ra làng nghề đóng xuồng, ghe từ rất sớm và nỗi tiếng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với các sản phẩm xuồng Cui, xuồng Cần Thơ, ghe Tam Bản và sau này có thêm Tắc Ráng…vv…

Nói đến làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài – Long Hậu không thể không nhớ đến ông Thầy của làng nghề. Ông là Phạm Văn Thuông thường gọi là Sáu Thuông người khởi nghiệp làng nghề. Quê ông tại Rạch Giông, xã Long Hậu (nay là ấp Long Thành A, xã Long Hậu). Ông sinh năm 1875, mất ngày 25 tháng 7 (AL) năm Ất Dậu (nhằm ngày 22/8/1945) ông làm nghề mộc rất giỏi đóng được cả tủ, bàn ghế, cất nhà, đóng xuồng ghe và biết cả bùa lổ ban.

         Để đóng hoàn chỉnh một chiếc xuồng, ghe các nghệ nhân phải sắm sữa đầy đủ các công cụ sau: Cưa líu, Búa bén, Búa đóng đinh, Đục bản, Bào mướp, Bào cóc, Dây xích cảo be, Công gập mẫu, Cây sứa, Bào sớ, Bào trường, Thước đo bằng gỗ, Thước đo bằng nhôm, Cưa gọc, Ống mực, Hộp đựng đinh, Thùng đựng dầu chai…vv…

         Trước đây, thợ Bà Đài – Long Hậu chủ yếu đóng xuồng, ghe bằng vật liệu là gỗ: Sao vườn, sao sông lớn (tức sao rừng) và dầu rừng…vv… khi khan hiếm sử dụng cả gỗ căm xe, cà chất, kiền kiền, sến. Thời gian sử dụng một, chiếc xuồng, một chiếc ghe tùy thuộc vào chất lượng của từng loại gỗ, loại gỗ tốt kéo dài 15 đến 20 năm; loại gỗ thường chừng vài năm, có loại chỉ sử dụng qua mùa nước nổi rồi bỏ (như gỗ gáo).

          Để đóng được một chiếc xuồng thành phẩm phải qua nhiều công đoạn như:

          - Bỏ mực tấm Tiếp, be; uốn lô rồi chặt mẫu lô; ghim lô (dính vô 2 đầu tấm tiếp), phân cong (ví dụ: 12 dây cong cho xuồng có bề hoành 1m và 14 dây cong cho xuồng có bề hoành 1,2m);

          - Đóng chốt (tức chặt đầu dù của loại đinh dài khoảng 4 phân). Xong, ghim chốt vô tấm tiếp (khoảng 2/3 đinh); vô vỏ dưa tức vô be xuồng, thường có 3 đôi gồm 6 lá be: đôi be đáy (cặp 2 bên tấm tiếp), đôi be kềm ((kế be đáy), đôi be vành (trên cùng); ngán 2 đầu vỏ dưa; dằn cong – câu miệng; rọc cong, khuyết lỗ lù, chặt góc; sắp cong vào lòng vỏ dưa, phân đoạn cho đều khoảng từ mũi tới lái (12 dây cong hoặc 14 dây cong tùy theo xuồng nhỏ hoặc lớn căn cứ theo bề hoành của xuồng) đóng đinh; ráp bửng, then, kỷ (còn gọi là rỉ) ở mũi và lái; đóng sạp; đẻo mũi, đẻo lái, cắt đầu cong; dọn thành phẩm bằng cách lật úp xuống rồi dậm đinh (đóng đinh bổ sung thêm); lăn lưng xuồng (bào theo đường hèm cho êm, khít, bóng và đẹp); dẫy mỏ be (cả hai đầu mũi, lái); trét chai: lấy loại chai bả bằng bố tời, bằm bả cho bong ra, nhuyễn nhừ. Đoạn, trộn bả với chai bột (như bột xi măng), trộn đều, chế dầu trong cho loãng hoặc sền sệt rồi nấu sôi, trộn đều cho tới khi nở chai, mới nhắc nồi chai xuống để nguội. Vít chai nấu ra, rắc thêm chai bột vào rồi đập đến khi chai nhừ kéo được thành sợi vừa dai mà không còn bả…vv…thì mới đạt yêu cầu, nghĩa là đã dễ trét. Người ta trét chai theo đường hèm, theo dây cong (cả trong lẫn ngoài xuồng).

          - Cuối cùng, còn phải lấp vò, nghĩa là lấy chai bột ngâm với dầu trong, đem phơi nắng hoặc nấu cho nở chai (nhưng nấu không tốt bằng phơi nắng).

          Các sản phẩm xuồng ghe Ba Đài như:

       - Xuồng cui: Thường được các trại xuồng đóng với bề hoành khoảng 1m đến 1,2m. Be xuồng dày 1,3 – 15 phân hoặc 2 phân đủ, nên hao be mà lại tốn công vì phải dùng lửa uốn lô, uốn be, giá thành cao. Xuồng có lô lớn, tấm kỹ cũng lớn với chiều dài 35 đến 40 cm x rộng 30cm và dằn thấp. Chót lô lái nhô lên được các đầu be chụm lại, ốp thành lưng dựa. Lườn hong lái được đóng theo kiểu “lồng chuông trái bần” chỗ giáp mí giữa đầu lô tấm tiếp mũi và tiếp lái theo dạng “O Thòng” tức chỗ tiếp giáp bầu lơi ra và hạ xuống so với mặt lườn của xuồng ghe. Nhờ vậy xuồng cui Bà Đài có sức chở mạnh hơn các loại xuồng khác cùng kích cở, đầm (ít lắc) chẻ sóng tốt, dễ đi trên các sông rạch kể cả khi xuồng chở khẩm. Người đóng xuồng cui giỏi hiện nay là ông Nguyễn Văn Tốt, sinh năm 1960 và ông Trần Văn Nhiều, sinh năm 1975 ấp Long Hoà, xã Long Hậu.

       - Xuồng ba lá: Xuồng ba lá được đóng đơn giản chỉ có 3 tấm ván ghép lại: hai mảnh làm be và 1 mảnh làm lườn. Vì vậy ít tốn kém nhẹ công, chỉ có 2 đường trét chai dưới lườn xuồng. Hai mũi xuồng ba lá không cất lên nhiều, không có sạp ván, chỉ gác then ngang cho người ngồi bơi. Xuồng ba lá chở mạnh, nhẹ nước đi trên sông cũng được, đi trên đồng cũng được rất tiện lợi khi đi trên đồng ruộng lướt sình, lướt cỏ dễ dàng, có thể lướt trên nước cạn nhờ lườn xuồng bằng phẳng. Người chuyên đóng xuồng ba lá hiện nay là ông Nguyễn Văn Sáu sinh năm 1940 ấp Long Hoà và ông Nguyễn Thành Nam ở ấp Long Hưng II, xã Long Hậu.

       - Xuồng cần thơ: Còn gọi là xuồng vỏ gòn. Khi vô vỏ dưa, thân xuồng túm lại giống trái gòn. Xuồng thường được ghép 5 hoặc 7 be lá (tấm be) xuồng cần thơ thon thả, nhẹ nhàng, nhẹ bơi, nhảy sóng tốt nên dễ đi trên sông lớn, rạch và đánh bắt cá, nhất là những người đi chài cá rất ưa chuộng vì 2 đầu xuồng đều có sạp lại đằm, ít lắc. Người thợ chuyên đóng xuồng này là ông Nguyễn Văn Tốt, sinh năm 1950 và ông Nguyễn Văn Mảnh, sinh năm 1990 đều ở ấp Long Hoà.

       - Ghe Bà Đài: Từ 2 loại ghe cui Cần Đước (Long An) và loại ghe Cà Dom (An Giang) thợ đóng xuồng ghe Bà Đài cải tiến ghe cui thành 2 dạng ghe cui mũi tam bản gọi là ghe tam bản, ghe cui mũi chài gọi là ghe chài.

       + Ghe tam bản: Được biến tấu từ chiếc xuồng cui các thông số kỹ thuật giống như đóng xuồng cui nhưng kích cỡ, qui mô to hơn gấp vài chục lần xuồng cui. Đặc điểm ghe tam bản có gối ở 2 đầu tấm tiếp (tức tấm be giữa dưới lườn). Gối sau lớn hơn gối trước, gối trước cao khoảng 50cm, mặt trên phẳng, mặt dưới hôi bầu theo kiểu lồng chuông trái bần. Giữa đôi kèm và đôi vành có đôi trường y - Trường y chỉ có ghe lớn từ 14 tấn trở lên và dày hơn các tấm be thường có công dụng kềm ghe vững chắc và chịu va chạm.

        + Ghe chài: Có gối liền với tiếp, trên gối là má tàu, tức tấm bợ để chụp mũ và lợp mặt chài. Mũi ghe chài rộng, thẳng theo loại mũi vỏ tàu tạo nên sân rộng, người ta có thể đứng trước mũi để chống chọi, hoặc để cân bàn, cân hàng hoá và bắt cầu dài từ ghe đi lên bờ một cách dễ dàng. Mũi ghe chài có má và tấm chụp cản sóng hơn ghe tam bản, nên dẫu chở khẳm vẫn đằm. Ghe chài Bà Đài thon và dài, phần thân chủ yếu để chứa hàng hoá, còn lại là bồng mũi và bồng lái. Hai bồng đều sâu và rộng. Bồng mũi dùng để dụng cụ đồ đạc có nắp đậy. Bồng lái trên có mui lớn, vách hông có cửa sổ, cửa ra vào như một căn buồng để ở, phía dưới là hầm tàu, phía sau có chỗ làm bếp, chỗ vệ sinh.

              Ngoài các loại xuồng ghe trên các trại đóng xuồng ghe Bà Đài còn đóng cả tắc ráng và trẹt. Tắc ráng còn gọi là vỏ lãi vì thân nó mỏng, thon dài, chạy lướt nhanh trên mặt nước như con rắn lãi nó phóng nhanh, chạy nhanh, khi ngừng và chạy lại cũng nhanh. Trẹt hay chẹt được sáng tạo từ những chiếc phà, chiếc xà lan biến tấu. Loại trẹt nhỏ lườn chiều ngang khoảng 1,2m thường dùng để máy tưới nườn cam, quít, xoài, loại trẹt lớn lườn từ 2,2 – 3m dùng để chở máy cày, máy xới, cobe.

            Vào tháng 4-2015, nghề đóng xuồng, ghe Long Hậu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Một số hình ảnh Nghề đóng xuồng, ghe
 

XG 1


 

XG 2
 
XG 3
 
XG 4
 

Tác giả bài viết: PNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

banner CDS
banner CDS
banner CDS
TKVB
banner
QPPL
1022
TCD
BVHTTDL
CTTDTDT
LCT
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay11,259
  • Tháng hiện tại290,047
  • Tổng lượt truy cập5,460,526
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây