HÒ ĐỒNG THÁP

Thứ ba - 02/04/2024 19:02
Từ hơn 300 năm trước, vào khoảng cuối thế kỷ XVII, người Việt đầu tiên đã đặt chân lên đồng bằng châu thổ hạ nguồn sông Mekong để khai hoang lập ấp. Đó cũng là lúc họ bắt đầu kiến tạo các giá trị tinh thần, làm nên một nền văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Những cư dân đến đây đều mang những nét văn hóa, bản sắc riêng biệt. Chính vì thế, nơi đây có nền văn hóa đa dạng, đa sắc màu cũng như mang nhiều tính cách khác nhau. Để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với giặc ngoại xâm, cộng đồng các dân tộc ở đây phải luôn luôn sống đoàn kết, gắn bó, họ luôn hòa mình với nhau. Do đó những phong tục tập quán của từng dân tộc cũng dần dần hòa quyện thành thói quen của mỗi người. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật của con người Đồng Tháp Mười.

Thiên nhiên trù phú cùng với tính cách con người hào sảng nghĩa tình là chất liệu để những câu hò điệu lý ra đời. Một trong những loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của văn hóa Nam Bộ là điệu hò Đồng Tháp. Khi gieo cấy mùa màng, những cư dân của vùng đất mới chiêm trủng còn  gieo theo cả câu hò mượt mà, âm vang trên những cánh đồng lúa nước Tháp Mười. Để hôm nay, làn điệu ấy đã trở thành một  di sản văn hóa quí báu cho thế hệ sau.

Về quá trình hình thành và phát triển của Hò Đồng Tháp, do chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố lịch sử - văn hóa – xã hội, ta có thể tạm chia làm 3 giai đoạn chính: từ đầu thế kỷ XIX – 1945, 1945 – 1954, 1954 – 1960.

+ Điệu Hò Đồng Tháp từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1945: đây là giai đoạn hình thành của Hò Đồng Tháp. Những nét văn hóa, hòa đồng, những phong tục tập quán riêng biệt của từng dân tộc đã tạo nên nền âm nhạc có những đặc tính độc đáo riêng biệt của nền văn hóa sông nước Tháp Mười, đặc biệt là điệu Hò Đồng Tháp. Hò Đồng Tháp kế thừa và tiếp thu những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của hát ru như thang âm, điệu thức, hơi, đường nét giai điệu, âm hưởng luyến láy để phát triển và tạo thành yếu tố đặc trưng của một loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian riêng có của Đồng Tháp. 

Qua điệu hò này người ta thấy có vóc dáng hệ thống điệu thức Oán trong ca nhạc tài tử (được hình thành từ những năm cuối thế kỷ XIX). Khi hò điệu Hò Đồng Tháp người ta thường gởi gắm tâm tư tình cảm của mình với đối tượng là con người và cảnh vật thiên nhiên.

Có một bài Hò Đồng Tháp từ nửa cuối của thế kỷ XIX được tìm thấy:

Chị em ơi!

Nào bầu, nào gạo, nào bắp, nào khoai

Lu mắm cô Hai, bành chai chị Bảy

Chị em ta vững vàng tay lái

Đem ra tận ải biên thùy

Ta nuôi anh lính mộ có xá gì gian nan

(lính mộ là nghĩa quân của Thiên hộ Dương)

    + Điệu hò Đồng Tháp từ 1945 - 1954 (9 năm kháng chiến chống Pháp): Thời kỳ này những điệu lý, điệu hò, các bài vè đều mang nội dung ủng hộ kháng chiến, chiến đấu chống Pháp. Nông dân khắp vùng Đồng Tháp Mười tích cực sản xuất ủng hộ lúa gạo và tiền bạc cho kháng chiến. Thời kỳ các câu hò lại được vang lên trong không khí tưng bừng trong các chuyến chèo ghe chở lương thực, quân dân, đạn dược cho cách mạng. Các điệu hò này giờ đây được mọi người gọi chung là hò kháng chiến.

Tháp Mười đồng ruộng bao la

Tây vô Đồng Tháp làm ma không đầu

+ Điệu Hò Đồng Tháp từ 1954 đến 1960:Thời kỳ này bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc (theo Hiệp định Genève), có đoàn Văn công Ngũ Yến, trong đoàn có ca sỹ Kim Nhụy là người chuyên hát cải lương, chị có một giọng hò đặc biệt hay. Trên đất Bắc những lần biểu diễn phục vụ cho đông đảo công chúng, chị thường hò một bài hò rất hay đã để lại trong lòng người nghe những cảm xúc mãnh liệt. Giọng hò lanh lảnh vang xa của chị đã khiến bao giọt nước mắt của những người chiến sỹ Đồng Tháp Mười tuôn rơi.

Thời gian ấy Điệu hò này cũng đã được thu thanh phát trên đài Tiếng nói Việt Nam và được giới thiệu là Hò Đồng Tháp với giọng hò do nghệ sĩ Kim Nhụy thể hiện. Có lẽ do chị là người Đồng Tháp, và là người duy nhất hò điệu hò này nên mỗi khi được nhắc đến mọi người đều gọi là Hò Đồng Tháp và tên gọi Hò Đồng Tháp xuất phát từ đây chứ trước đây mọi người chỉ gọi chung là Hò.

+ Từ năm 1954 – 1960 do tình hình xáo trộn dân cư ngày càng nhiều. Nông dân trong vùng Tháp Mười lo làm ăn, chống giặc, cuộc sống cũng như phương thức sinh hoạt thay đổi (môi trường diễn xướng bị thay đổi) do đó các điệu hò dần dần cũng bị lãng quên, nhất là điệu Hò Đồng Tháp.

Bài hò của anh bộ đội miền Nam trước lúc chia tay tập kết ra Bắc:

                                              Giọt lệ chia ly

Giọt lệ chia ly trĩu nặng lòng người chiến sĩ

Buổi trùng phùng ta giữ kỹ trong tim

Dù cho đá nổi mây chìm

Đố ai ngăn được cánh chim về đàn

Bài hò của ca sỹ Kim Nhụy – đoàn Văn công Nam Bộ dùng ở miền Bắc 1954 – 1960.

Ngó lên trời trời trong mây trắng

Dòm xuống nước nước trắng lại trong

Nhỏ nhỏ như ai chứ nhỏ nhỏ như em chắc dạ bền lòng

Lỡ duyên thời em chịu lỡ

Đóng cửa loan phòng em chờ anh.

Hò Đồng Tháp là một loại hò trên đồng nước, âm điệu của Hò Đồng Tháp thể hiện rõ tâm tư tình cảm của con người, nhất là vào các mùa trăng nước mênh mông thơ mộng. Đây là một âm điệu đặc biệt được hò ở tốc độ chậm, buông lơi, nhịp điệu lúc nhặt, lúc khoan, lúc trầm, lúc bổng, có lúc thì thật thấp, có lúc thì thật cao chót vót.Hò Đồng Tháp thường được dùng ở 3 tầm: thấp – trung – cao. Trong ca từ chữ này và chữ kia thường xuất hiện những nét nhạc nối. Đặc trưng của Hò Đồng Tháp có quãng nhảy gần với quãng 4 tăng và chuyển hệ trong hơi Oán. Chính vì thế, có thể nói Hò Đồng Tháp là một điệu hò đặc biệt và hay trong các điệu hò ở Nam Bộ.

Đặc điểm của Hò Đồng Tháp là sử dụng hầu hết các thể thơ giống như ở các điệu hò: Hò Cấy; Hò Mái Trường; Hò Mái Đoản; Hò Huê Tình… ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong các thể thơ ở những điệu hò này người ta thường thấy xuất hiện nhiều nhất là thể thơ lục bát và lục bát biến thể. Nhưng với điệu Hò Đồng Tháp thì thể thơ song thất lục bát tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để diễn đạt cảm xúc mênh mông, dàn trải. Do đó, lời văn của Hò Đồng Tháp được dùng phổ biến nhất, hiệu quả nhất và diễn đạt ý nghĩa trọn vẹn nhất là thể thơ song thất lục bát.

Chính các yếu tố khác biệt như sử dụng cả thể thơ song thất lục bát để chuyển lời thành ca từ và cấu trúc có phần luyến láy, thêm giai điệu “ ơ… hòa …ơ” đến nhấn mạnh, đưa hơi, ngắt nhịp mà Hò Đồng Tháp trở nên khác biệt với các điệu hò Nam Bộ. Yếu tố qui định “ ơ … hòa… ơ” luôn được thể hiện đầy đủ và ổn định không biến đổi ở tất cả những lần nhắc lại trong mọi bài hò Đồng Tháp. Điều này không chỉ duy nhất có trong Hò Đồng Tháp, mà còn tạo nên một bản sắc riêng, định hình Hò Đồng Tháp với các điệu hò khác của vùng đất Nam Bộ.

Như vậy điệu Hò Đồng Tháp không chỉ là một điệu hò hay của nền âm nhạc dân gian Nam Bộ, nó không những có ý nghĩa lịch sử sâu sắc với truyền thống yêu nước hào hùng chống ngoại xâm đã ngấm vào máu thịt của người dân Đồng Tháp từ đời này sang đời khác, những người dân cần cù, chân chất, hào sảng và trọng nghĩa khí rất mực Nam Bộ. Năm 1954, Nghệ sĩ Kim Nhụy là người mang điệu Hò Đồng Tháp cùng tập kết ra Bắc, về sau điệu hò này được giới thiệu quảng bá ra nước ngoài được nhiều người biết đến qua Giáo sư – Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê. Như vậy, có thể nói Hò Đồng Tháp ngày càng phát triển rộng rãi, không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. Đây là một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng trong nền văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam.

Với những ý nghĩa đó ngày 30 tháng 10 năm 2018 Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định đưa Hò Đồng Tháp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.
 

HO 1
Ths. nhạc sĩ Tấn Lực – Học trò của thầy Cao Văn Lý;
một trong những người dành nhiều tâm huyết cho việc phục hồi điệu hò Đồng Tháp.
HO 2
Chân dung cố nghệ sĩ Kim Nhụy
người mang điệu hò Đồng Tháp cùng tập kết ra bắc 1954
HO 3
GS, nhạc sĩ Trần Văn Khê đã tuyên truyền quảng Hò Đồng Tháp đến với các nước trên thế giới
HO 4
Các nghệ sĩ giới thiệu hò Đồng Tháp đến các bạn trẻ tại TP. Hồ Chí Minh
HO 5
Hò Đồng Tháp phục vụ du khách bang Sachsen, Cộng hòa Liên Bang Đức
tại Bảo tàng Đồng Tháp, 12/10/2018

Tác giả bài viết: PNV

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

banner CDS
banner CDS
banner CDS
TKVB
 
QPPL
1022
TCD
BVHTTDL
CTTDTDT
LCT
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay252
  • Tháng hiện tại20,076
  • Tổng lượt truy cập1,193,969
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây