Hiện nay, nếu du khách có dịp đến trung tâm xã Định Yên, huyện Lấp Vò sẽ thấy một ngôi chợ khang trang mang tên Chợ Chiếu Định Yên, được địa phương đầu tư kinh phí, làm nơi trao đổi mua bán chiếu và trao đổi hàng hóa. Điều này thể hiện phần nào sự quan tâm của chính quyền địa phương với làng nghề, với mong muốn người dân làng nghề có nơi mua bán, trao đổi nguyên liệu và sản phẩm chiếu.
Tuy nghề dệt chiếu Định Yên vẫn hoạt động theo xu hướng phát triển, nhưng có một nghịch lý, người kinh doanh mua bán chiếu không vào chợ để mua bán, vì nhiều lý do (có thể do thói quen, điều kiện, phương thức mua bán thay đổi theo sự phát triển của xã hội v.v.) dù chợ ma không còn. Hiện nay, người làm nghề dệt chiếu vẫn mua bán ở bến lác bờ sông và một đoạn đường làng cạnh xã. Một hình thức mua bán tiện lợi khác là họ gọi điện thoại trao đổi việc mua bán, giao hàng tận nơi vựa thương lái, hay tại nhà người tiêu dùng. Các mặt hàng từ nguyên liệu: lác chỉ trân, phẩm màu v.v đến sảnphẩm chiếu thành phẩm đều có đủ.
Dấu ấn Chợ đêm (dân gian gọi là chợ ma)
Xưa, chợ chiếu nhóm ban đêm, nhóm chợ để mua bán nguyên liệu và sản phẩm chiếu.
Chợ Đêm
Nhóm chợ vào đêm khuya, người bán và thương lái gần xa tụ họp về, những ngọn đèn dầu cá, đèn Huê kỳ (dầu lửa) đủ sáng cho người mua, kẻ bán. Nhiều người quen gọi «chợ ma», gợi về một cái «chợ âm phủ» nào đó trong truyện huyền thoại dân gian. Vì giữa không gian tĩnh mịch, tối đen của làng quê, đêm khuya, từ những mái nhà, mọi người lục đục vác chiếu, cụ bị phương tiện mua bán đi bộ, hay bơi chèo, xuồng ghe đến địa điểm quen thuộc (trước sân đình Định Yên và sân chùa) gần Ủy ban nhân xã Định Yên mua bán nguyên liệu và sản phẩm chiếu. Trên đường đi đến chợ, họ đốt đèn dầu hay những ánh đuốc lá dừa lập lòe, vừa đi vừa quơ lúc ẩn, lúc hiện, tia lửa túa ra chẳng khác nào ma trơi xuất hiện giữa những con đường, sông rạch ngoằn ngoèo dày đặc bóng đêm, cho nên dân gian gọi "chợ ma" có thể hiểu đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhóm chợ theo con nước lớn, ròng vào ban đêm là tập quán sinh hoạt, điều kiện đặc thù của người dân trong nghề dệt chiếu Định Yên. Ban ngày, mọi người, nhất là nữ giới đều bận rộn với công việc gia đình, se trân, phơi lác, phơi bố, nhuộm lác, dệt chiếu v.v.
Đêm đến, mọi người cùng đến chợ, điểm đặc biệt của chợ chiếu đêm là, người mua sản phẩm chiếu ngồi tại chỗ, còn người bán thì di chuyển, họ vác chiếu tay cầm đèn đến điểm những người thu mua, xem hàng, trao đổi ngã giá theo nguyên tắc: "thuận mua, vừa bán", cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng, miễn sao đôi bên cùng có lợi.
Mua bán chiếu
Thời gian họp chợ từ lúc nữa đêm, (đêm sau trễ hơn đêm trước một giờ, do theo con nước lớn, đêm sau con nước lớn trễ hơn một giờ so với đêm trước), chiếu dệt xong đem bán, đi chợ mua thức ăn, về đến nhà trời thì vừa hừng sáng, lại bắt đầu công việc cho một ngày mới.
Theo lời kể của người dân sống tại Định Yên về chợ chiếu đêm ở Định Yên, mỗi phiên trễ mộtgiờ. Và chợ đêm thường nhóm bắt đầu từ lúc 2 giờ theo chu kỳ con nước trong tháng, Tính lúc nước lớn đầy, không tính sông cạn, sâu; xuồng, ghe; lớn, nhỏ có thể di chuyển sớm hay trễ khi nước vừa "nhửng" lớn thì đến phiên chợ xóm hoặc muộn hơn.
Tham khảo theo cột đối chiếu sau để biết lúc 2 giờ sáng là nhằm ngày bao nhiêu:
Qua khảo con nước lớn ròng, mốc thời gian vào ngày 14, 15 tháng 4 âm lịch, tại rạch trên địa bàn tỉnh vào lúc 17 giờ ngày 14 thì nước lớn đầy sông, ngày hôm sau, ngày 15 (rằm), lúc nước đầy là lúc 18 giờ. Như vậy, đối chiếu mốc sau:
- Giờ: 18 19 20 21 22 23 24 1 2
- Ngày âm lịch: 15 16 17 18 19 20 21 22 23[1]
Theo đó, thì vào lúc 2 giờ sáng là nhằm ngày 23 âm lịch, là thời gian cận chánh kém trong chu kỳ con nước (chánh kém là ngày 25).
Như vậy, để tận dụng thời gian bán sản phẩm vào phiên chợ đêm và dành thời gian ban ngày để dệt chiếu thì người dân làng nghề dệt chiếu Định Yên, lúc bấy giờ, có thể họ chỉ nhóm chợ chiếu trong tháng khoảng 7 ngày (từ 23 - 29 âm lịch). Tương tự mốc trên, ta tính tiếp:
- Giờ: 2 3 4 5 6 7 8
- Ngày âm lịch: 23 24 25 26 27 28 29
Ngày cuối của mốc trên là vào ngày 29 nhằm lúc 8 giờ, họ tranh thủ theo con nước về đến nhà có muộn gì thì cũng tám, chín giờ, lo qua công việc nhà rồi lại tiếp tục công việc dệt chiếu, trữ sản phẩm đến gần cuối tháng, khi được kha khá thì đem bán, lấy tiền trang trải gia đình, mua nguyên liệu về sản xuất tiếp, để tháng sau theo con nước đến chợ đêm bán chiếu.
Qui trình này xem ra hợp lý, vừa đỡ mất thời gian ra chợ, tiết kiệm được chi phí, có thời gian lao động, mỗi đợt ra chợ bán được nhiều sản phẩm, thương lái cũng tiện thu mua và vận chuyển buôn chuyến khắp nơi xa gần.
Chợ này xuất hiện và duy trì thời gian dài vì nó phù hợp với công việc nghề dệt chiếu và điều kiện sinh hoạt ở nông thôn thời kỳ bấy giờ. Về sau cải tiến hơn, một số ít người sắm được đèn pin, rọi đi chợ cũng rất tiện và "sang" lúc bấy giờ. Về sau, đèn pha, đèn điện có cả, rất tiện ích cho việc đi lại vào ban đêm.
Cùng với sự phát triển kinh tế của xã hội ngày một đi lên, đời sống người dân ngày càng được cải tiến. Đường nông thôn hiện nay xã liền xã, ấp liền ấp. Trong cả nước, đường thông suốt, ô tô đi từ tỉnh có thể đi về tận ấp; phương tiện cơ giới đa dạng: xe tải, xe ba gác, xe hon da, xe đạp, tàu, ghe trang bị máy móc mã lực lớn, nhỏ đều có v.v. đó là điều kiện vận chuyển nhanh, cơ động trong việc lưu thông hàng hóa nói chung, sản phẩm chiếu nói riêng. Phương tiện thông tin liên lạc, điện thoại bàn, di động, internet kết nối liên lạc đa chiều giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chiếu nên tiết kiệm được thời gian, công sức, không phải thức khuya dậy sớm mang sản phẩm ra chợ bán như trước kia nữa, nên dần dần chợ chiếu đêm, (chợ ma) ngừng hoạt động.
Và vài ba chục năm trở lại đây, chợ đêm không còn nhóm họp nữa mà chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên sống tại địa phương.
Chợ đặc biệt cần khôi phục...
Chợ chiếu đêm Định Yên là một điểm nhấn đặc biệt trong hoạt động làng nghề dệt chiếu xưa, nó sẽ còn mãi trong ký ức của nhiều người hiện nay và về sau.
Vì vậy, hiện nay trong điều kiện Tỉnh đang chú trọng phát triển kinh tế thông qua du lịch, đã xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, thì việc phục hồi chợ chiếu đêm của Định Yên để góp phần phát triển du lịch, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch là một nhu cầu cần thiết. Đây sẽ là một trong những nhân tố lạ hấp dẫn, khác biệt với những sản phẩm du lịch của các tỉnh lận cận trong khu vực và cả nước, góp phần thu hút khách, tăng trưởng kinh tế thông qua khai thác dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, chợ chiếu đêm không còn phù hợp để mua bán chiếu (vì những lý do nêu trên). Vậy làm cách nào để chợ chiếu đêm hoạt động trở lại ? Đây là vấn đề lớn của tỉnh, cần có chủ trương của các ngành quản lý từ tỉnh đến huyện, xã có chính sách đầu tư kinh phí, thực hiện đồng bộ việc qui hoạch nguồn nguyên liệu, nơi sản xuất, liên kết hộ sản xuất, chợ, bao tiêu sản phẩm v.v. để khôi phục lại hoạt động chợ chiếu đêm Định Yên. Nhằm liên kết với các điểm tham quan trong huyện, tỉnh xây dựng tuyến tham quan đưa du khách tham quan trải nghiệm chợ chiếu đêm, cùng với việc khai thác các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ đêm v.v. nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương nói chung và người dệt chiếu nói riêng. Có như thế, sẽ gắn kết được người dân làng nghề, sống được bằng nghề của họ, góp phần duy trì, phát triển làng nghề truyền thống của địa phương, thực hiện mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc theo Nghị quyết Trung ương V của Đảng đã đề ra, nhằm gìn giữ di sản của tiền nhân lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Đặng Văn Hùng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn