Trong số 05 “Quốc bảo” của vùng đất“Sen hồng” thì tại Bảo tàng Đồng Tháp lưu giữ 03 bảo vật mang tính chất tượng thần Hindu giáo còn 02 bảo vật khác mang tính chất tượng phật giáo hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Thiết nghĩ, tỉnh Đồng Tháp nên có kế hoạch phục chế 02 bảo vật hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử nhằm phục vụ công tác trưng bày, triển lãm và nghiên cứu, góp phần giới thiệu về những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của các “Quốc bảo” giúp cho du khách thấy được những tài sản vô giá của các bậc tiền nhân khai phá vùng đất “Sen hồng” xưa đã để lại cho thế hệ hôm nay; đưa các giá trị lịch sử - văn hóa của địa phương đến gần hơn với người dân địa phương nhằm khơi dậy lòng tự hào và tình yêu quê hương của mỗi người con Đồng Tháp, để các giá trị tốt đẹp được lan tỏa, tô điểm thêm nét đẹp của xứ sở “Sen hồng”.
Sau đây là một số thông tin của 05 Bảo vật quốc gia:
* Chất liệu: Đá sa thạch
* Kích thước: dài 22cm; rộng 40cm; cao 149cm
* Trọng lượng: 70kg
* Miêu tả: Tượng màu xám trắng, tạc ở tư thế đứng trên bệ hình chữ Nhật, phần dưới bệ tạc liền khối với chốt cắm tiết diện hình tam giác. Tượng có dáng cân đối, ngực nở, eo thắt hơi ưỡn về phía trước. Đầu đội mũ hình trụ. Gương mặt Tượng vuông, hai chân mày giao nhau, mắt mở to và nhìn thẳng, môi mỏng, miệng hơi mỉm cười, hai dái tai dài xuống tận vai. Thân trên để trần, thân dưới quấn váy dài dhoti có thắt vạt tiết diện hình khối chữ Nhật buông thõng xuống giữa hai bàn chân. Phàn dưới vạt được thể hiện khá mềm mại, uốn cong về phía trước. Tượng có 4 tay và hai vai, hai tay sau phía trên hướng lên trời, tay phải cầm bánh xe, tay trái cầm hình tượng ốc, tù và, hai tay trước phía dưới hạ thấp xuống ngang hông, lòng bàn tay phải để ngửa, ngón tay uốn cong cầm hoa sen tỳ trên trụ tiết diện vuông, nối thẳng xuống lòng bàn chân phải, tay trái đặt trên cây trùy, nối thẳng xuống bên cạnh bàn chân trái, lòng bàn tay đặt úp, nắm vào đầu trụ. Cánh tay trái bị gãy mất toàn bộ.
* Hiện trạng: Còn tương đối nguyên vẹn
* Niên đại: Thế kỷ VI
* Nguồn gốc, xuất xứ: Phát hiện trong hố khai quật Gò Tháp Mười, tư thế nằm ở vị trí hành lang bên phải Tháp thờ Thần Visnu trong đợt khai quật di tích kiến trúc Gò Tháp Mười ngày 15/7/1998.
* Lý do lựa chọn:
Tượng là hiện vật độc bản. Tượng có hình thức độc đáo khác với các tượng Visnu khác. Đây là tác phẩm điêu khắc đá cổ rất tinh xảo, được xem là một trong những tác phẩm Visnu đẹp nhất còn lại đến ngày nay. Tạo hình thon thả, trau truốt, hai vai có 4 tay, mỗi tay cầm một vật tượng trưng của thần: ốc tù và tượng trưng cho các động lực bí ẩn thúc đẩy sự chuyển động sinh sôi nảy nở của muôn loài; bánh xe tượng trưng cho nguồn sáng tạo và hủy diệt; hoa sen là biểu tượng của mặt trời; cây trùy tượng trưng cho sức mạnh của sự hiểu biết.
Hình tương thần Vishnu có nguồn gốc từ Ấn độ, nhưng khi được cư dân Óc Eo tiếp nhận đã có nhiều sáng tạo mang nét nhân chủng khác Ấn độ như:đội mũ trụ, cây trùy và trụ chống giữ thân vững hơn…
Tượng đã hội tụ đủ những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật liên quan đến tôn giáo và phong cách nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa Óc Eo.
* Đơn vị Lưu giữ: Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp
2. Tượng thần Visnu
* Số đăng ký:
* Chất liệu: Đá sa thạch
* Kích thước: 64 cm x 28cm
* Trọng lượng: 8,6 kg
* Miêu tả:Tượng tạc ở tư thế đứng trên bệ hình chữ nhật, phần dưới bệ tạc liền khối với chốt cắm tiết diện hình tam giác. Tượng có dáng người cân đối, ngực nở, eo thắt, hơi ưỡn về phía trước. Đầu đội mũ hình trụ, chiều cao của mũ bằng chiều cao của mặt, phần tiếp giáp giữa chân mũ và trán có chạm đường gờ nổi. Gương mặt bầu tròn, hai chân mày giao nhau, mắt mở to và nhìn thẳng thể hiện rõ con ngươi và mí bằng những nét khắc chìm, sống mũi thẳng nhỏ, cao, môi mỏng, miệng hơi mỉm cười, hai dái tai dài xuống tận vai. Bụng hơi phệ, ngực có núm vú thể hiện bằng một vòng tròn nhỏ khắc chìm. Thân trên để trần, thân dưới quấn sampot ôm sát thân dài đến gối.
* Hiện trạng: Tượng có bốn tay, nhưng mất hai tay phải. Tay trái trên cầm hình tượng ốc shankha, tay trái phía dưới hạ thấp xuống ngang hông, lòng bàn tay đặt trên cây trùy, nối thẳng xuống bên cạnh bàn chân trái, lòng bàn tay đặt úp, nắm vào đầu trụ. Cây trùy bên trái bị gãy mất toàn bộ.
* Niên đại: Thế kỷ VI
* Nguồn gốc, xuất xứ: Tượng được phát hiện trong hố khai quật tại Gò Tháp Mười, khu di tích lịch sử Gò Tháp (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) trong tư thế nằm ở vị trí hành lang bên trái Đền thần Vishnu Gò Tháp trong đợt khai quật di tích kiến trúc Gò Tháp Mười ngày 15-7-1998.
* Lý do lựa chọn:
Tượng thần Visnu được xem là một trong những tác phẩm đẹp tiêu biểu đã hội tụ đủ những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật liên quan đến tôn giáo và phong cách nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa Óc Eo và là hiện vật độc bản
Tượng được Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 2382/QĐ-TTg, ngày 25/12/2015 công nhận là Bảo vật quốc gia
* Đơn vị Lưu giữ: Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp
3. Tượng nữ thần Laksmi
* Số đăng ký:
* Chất liệu: đá cổ
* Kích thước: 23 cm x 92 cm
* Trọng lượng: 21 kg
* Miêu tả: Tượng tạc theo phong cách cuối Sambor đầu Prei Lmeng, tượng nữ thần Laksmi mầu xám trắng, tạc ở tư thế đứng trên bệ hình chữ nhật, phần dưới bệ tạc liền khối với chốt cắm tiết diện hình tam giác. Tượng có dáng người cân đối, ngực nở, eo thắt, hơi ưỡn về phía trước. Đầu đội mũ hình trụ, chiều cao của mũ bằng chiều cao của mặt, phần tiếp giáp giữa chân mũ và trán có chạm đường gờ nổi. Gương mặt vuông, hai chân mày cong giao nhau, mắt mở to và nhìn thẳng, mũi cao, môi mỏng, miệng hơi mỉm cười, hai dái tai dài xuống gần đến vai. Thân trên để trần, thân dưới quấn váy dài dhoti ôm sát thân và buông dài xuống mắt cá chân. Phần giữa của váy dài dhoti có một nút hình túi nhiều nếp uốn cong phồng mềm mại trước bụng, vạt trước xếp nổi bốn lớp buông thỏng xuống giữa hai bàn chân. Phần dưới vạt được thể hiện khá mềm mại, uốn cong về phía trước. Tượng có hai tay cong đặt ngang hông hướng về phía trước, hai bàn tay nắm hở.
* Hiện trạng: Còn tương đối nguyện vẹn
* Niên đại: Văn hóa Óc Eo. TK VII
* Nguồn gốc, xuất xứ: Tượng nữ thần Laksmi do người dân đào đất phát hiện tại khu vực Gò Rượu, xã Bình Phú, huyện biên giới Tân Hồng
* Lý do lựa chọn: Là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc đá cổ rất tinh xảo, được xem là một trong những tác phẩm đẹp nhất còn lại đến ngày nay. Tượng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một bảo vật quốc gia.
Tượng được Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 2382/QĐ-TTg, ngày 25/12/2015 công nhận là Bảo vật quốc gia
* Đơn vị Lưu giữ: Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp
4. Tượng Phật Lợi Mỹ
* Số đăng ký: BTLS.1617
* Chất liệu: Gỗ
* Kích thước: cao: 200cm; rộng: 50 cm; đường kính bệ: 41 cm.
* Niên đại: Thế kỷ IV - VI
* Loại hiện vật: Cổ vật, Văn hóa Óc Eo.
* Nguồn gốc xuất xứ: Lợi Mỹ - Đồng Tháp
* Miêu tả: Tượng Phật bằng gỗ khối, đứng trên tòa sen nhiều lớp, dáng thanh mảnh, đầu đội mũ miện tròn đỉnh có chóp nhọn, tai dài chấm vai, vai xuôi, hai tay giơ ngang ngực, trong tư thế bắt ấn, mặc áo choàng dài phủ đến chân tạo thành hình vòng cung.
* Lý do lựa chọn: Tượng Phật được tạc bằng một thân cây “gỗ Trai” duy nhất, điển hình của điêu khắc Phật giáo Đông Nam Á, thời kỳ đầu công nguyên thuộc Văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - VI), tượng có kích thước lớn, có giá trị thẩm mỹ cao tiêu biểu của nền Văn hóa Óc Eo, đặc biệt còn được lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Là tác phẩm nổi tiếng, được nhiều nước trên thế giới mượn để giới thiệu về Văn hóa Óc Eo.
Tượng Phật Lợi Mỹ đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1426/QĐ-TTg, ngày 01/10/2012 công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 1).
* Đơn vị Lưu giữ: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Tượng Phật Sa Đéc
* Số đăng ký: BTLS. 1615
* Chất liệu: Gỗ sao
* Kích thước: Cao: 268 cm; Ngang: 11 cm; Đk bệ: 55 cm
* Trọng lượng: 100 kg
* Miêu tả: Tượng Phật bằng gỗ sao, đứng trên tòa sen có 2 tầng, dáng thanh mảnh, cổ cao, vai ngang, đỉnh đầu còn dấu vết unisa, tóc xoắn ốc, dấu vết áo choàng dài đến ống chân.
* Hiện trạng: Không nguyên vẹn, đã sửa chữa
* Niên đại: Văn hóa Óc Eo. TK 4
* Nguồn gốc, xuất xứ: Sa Đéc, Tháp Mười
* Lý do lựa chọn: Là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật tạc tượng Phật bằng gỗ trong văn hóa Óc Eo ở vùng Nam bộ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một bảo vật quốc gia.
Tượng Phật Sa Đéc đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 2599/QĐ-TTg, Hà Nội ngày 30/12/2013 công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 2).
* Đơn vị Lưu giữ: Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác giả bài viết: Bảo Trân - Phùng Quốc Danh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn