Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, về việc đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương, Nam Bộ có 3 khu vực tập kết chuyển quân của Quân đội nhân dân Việt Nam là: khu Hàm Tân – Xuyên – Mộc, khu Đồng Tháp Mười và khu Mũi Cà Mau.
Đồng Tháp Mười là khu vực tập kết 100 ngày theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Vùng hai con kênh Dương Văn Dương và Nguyễn Văn Tiếp là nơi đóng quân để chuẩn bị xuống tàu tại bến Cao Lãnh. Vùng kênh Dương Văn Dương dành cho lực lượng Phân liên khu miền Đông, vùng kênh Nguyễn Văn Tiếp và khu vực các xã xung quanh thị trấn Cao Lãnh là nơi tập kết của lực lượng hai tỉnh Mỹ Tân Gò và Long Châu Sa.
Theo phụ lục Hiệp định Giơ-ne-vơ, Cao Lãnh là một trong ba nơi chuyển quân ở Nam Bộ. Nơi đây là điểm chuyển quân của toàn bộ Quân khu 8 (gồm 07 tỉnh là: Bến Tre, Trà Vinh, Tân An, Mỹ Tho, Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc) và phần Đông Bắc của Quân khu 6 (Campuchia), khi tập kết chia làm 2 phần (phần Đông Bắc sáp nhập với quân khu 8 tập trung về Cao Lãnh để chuyển quân, phần Đông Nam sáp nhập với Quân khu 9 tập trung về Cà Mau để cùng chuyển quân).
Phái đoàn đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Huỳnh Văn Một dẫn đầu nhiều lần họp bàn với đại diện quân đội Liên hiệp Pháp về việc chuyển quân tại Cao Lãnh, nơi diễn ra cuộc họp là Công sở xã Mỹ Trà (vị trí tại tượng Thống Linh ngày nay) để chuẩn bị cho công việc chuyển quân, tỉnh Long Châu Sa tiến hành khẩn trương ba công tác lớn: Thành lập tổ Liên hiệp và Ủy ban Quân quản để tiếp quản quận lỵ Cao Lãnh; Tổ chức bố trí ăn, nghỉ, bảo vệ an ninh cho các đơn vị từ các nơi tập kết về chờ ngày chuyển quân; Làm công tác tư tưởng đối với nhân dân, cán bộ chiến sĩ về vấn đề tập kết chuyển quân.
Bắt đầu từ đây, vùng tập kết Cao Lãnh nhận các đoàn tập kết của các tỉnh Quân khu 8 và Quân khu 6 dồn dập đổ về, hầu hết cán bộ, bộ đội các nơi tập trung về đây đều được bố trí ở nhà dân của các xã Hòa An, Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông, Tịnh Thới, An Bình…vv…thành phần đoàn tập kết của tỉnh Long Châu Sa là cán bộ, bộ đội, học sinh, con em gia đình cách mạng, Tiểu đoàn 309, Tiểu đoàn 311, Trung đoàn 115, trong đó Tiểu đoàn 311 được giao nhiệm vụ giữ và bảo vệ vùng chuyển quân tập kết ở Cao Lãnh trong thời gian khoảng 100 ngày.
Việc chuyển quân chia làm nhiều đợt: tháng 8, tháng 9 và tháng 10, tổng cộng 3 đợt chuyển quân ta đưa tiễn 13.508 người, trong đó riêng tỉnh Long Châu Sa là 2.655 người. Tàu của Liên Xô, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan…vv…chuyên chở bộ đội, cán bộ, con em gia đình cách mạng từ bến bắc Cao Lãnh ra Vũng Tàu, rồi từ Vũng Tàu chạy 3 ngày đêm ra đến nơi đổ quân là Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ngày 29/10/1954, hàng ngàn đồng bào từ các nơi kéo về bến bắc Cao Lãnh tiễn đưa chồng, con, em xuống chuyến tàu cuối cùng ra Bắc.
Trong thời gian dừng chân ở Cao Lãnh, hàng ngàn cán bộ, bộ đội đã làm nên nhiều công việc có ý nghĩa hết sức to lớn, cán bộ, bộ đội ta đã đem hết những hiểu biết về đường lối chính sách của Đảng ta về cuộc kháng chiến chính nghĩa của toàn dân và về các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, y tế, vệ sinh, thể dục thể thao, tuyên truyền phổ biến trong nhân dân vùng tập kết. Chỉ một thời gian ngắn cả quận lỵ Cao Lãnh đã thay da đổi thịt thành một nếp sống mới. Các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chiếu phim, thể thao, những buổi sinh hoạt tập thể như dạy trẻ em ca hát, vũ múa những bài ca giàu tính cách mạng, tổ chức những buổi nói chuyện về lịch sử, về Bác Hồ, về mục đích, chủ trương về chính nghĩa cách mạng… đến những hoạt động trợ giúp nhân dân hàng ngày từ việc quét dọn nhà, vườn tược, tổ chức dạy bổ túc văn hóa…vv…đã làm cho người cán bộ Việt Minh, anh lính Cụ Hồ trở thành hình ảnh thân thương trong mọi gia đình. Cũng trong thời gian này, cán bộ chiến sĩ ta đã tu bổ, tôn tạo ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Đài liệt sĩ (nhân dân gọi là Đài chiến sĩ góc ngã tư đường Nguyễn Huệ với đường 30 tháng 4 ngày nay) để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Cũng qua đó mà Đảng ta đã phát triển được những nhân tố tích cực và xây dựng được nhiều cơ sở trong học sinh, giáo viên, thanh niên…vv…ở Cao Lãnh. Chính vì vậy mà sau này trong cơn khủng bố, đàn áp của địch, cơ sở cách mạng ở Cao Lãnh vẫn vững vàng tồn tại và phát triển.
Tập kết, chuyển quân ra miền Bắc là một chủ trương, chính sách lớn về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung có ảnh hưởng mang tầm quốc tế.
Để ghi nhớ mốc lịch sử hào hùng của quân và dân miền Nam, công trình Di tích Địa điểm chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được khởi công xây dựng từ năm 2017, được khánh thành vào năm 2019 trên khuôn viên 13.301m2 (khóm 6, phường 6, TP Cao Lãnh). Di tích Địa điểm chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích quốc gia vào ngày 24/2/2023, nơi đây là biểu tượng của lòng tự hào, phát huy giá trị lịch sử, là nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, tham quan du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tác giả bài viết: PNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn