Đồng chí Trần Thị Nhượng (còn được biết đến với tên gọi là Trần Thị Ngài, cô Sáu Ngài, cô giáo Ngài), sinh ngày 15/3/1896 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình tiểu tư sản. Cha mẹ và 06 anh em đều làm thợ thủ công hoặc buôn bán nhỏ. Năm 15 - 16 tuổi đồng chí vừa chăn nuôi làm kinh tế vừa học chữ tại nhà. Sau đó, đồng chí tiếp tục học tập ở Sài Gòn lấy bằng Certificat, rồi về Hòa An, Cao Lãnh dạy học. Lúc bấy giờ toàn tỉnh Sa Đéc chỉ có 03 giáo viên là nữ giới. Bà chuyển xuống dạy ở Tân Dương (nay thuộc huyện Lai Vung), Cái Tàu Hạ (nay thuộc huyện Châu Thành). Năm 1916, lên Sài Gòn học thêm tiếng Pháp. Một năm sau quay về trường Hòa An tiếp tục dạy học.
Ngày 15/6/1928, đồng chí Trần Thị Nhượng được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Năm 1929, được kết nạp vào An Nam Cộng Sản Đảng. Năm 1930, đồng chí được phân công làm Bí thư Chi bộ liên xã Mỹ Trà và Mỹ Ngãi.
Năm 1930 và 1939, trong quá trình hoạt động tại Sa Đéc, đồng chí 2 lần bị giặc bắt và giam giữ. Sau khi được thả, mặc dù bị giặc quản thúc, nhưng đồng chí vẫn có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng ở tỉnh Sa Đéc trong thời kỳ đầy khó khăn này. Tháng 5/1945, một cuộc họp tổ chức tại làng Mỹ Trà đã nhất trí thành lập Tỉnh ủy lâm thời Sa Đéc (công khai hoạt động là Mặt trận Việt Minh tỉnh) do đồng chí Trần Thị Nhượng phụ trách Bí thư (kiêm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh).
Để chuẩn bị cho công cuộc giành chính quyền ở tỉnh Sa Đéc, đồng chí Trần Thị Nhượng đã chỉ đạo thực hiện góp phần củng cố khối đoàn kết trong nội bộ Đảng tích cực chuẩn bị lực lượng, phát động quần chúng sẵn sàng nổi dậy. Ngày 25/8/1945, đồng chí tổ chức lực lượng quần chúng, đại diện cho Mặt trận Việt Minh tiến thẳng vào gặp Tỉnh trưởng Lê Tấn Bửu yêu cầu giao chính quyền với lời lẽ thuyết phục và cương quyết. Đến 14 giờ cùng ngày, chính quyền đã về tay nhân dân trong Tỉnh.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Trần Thị Nhượng tiếp tục được giao nhiều trọng trách như: Phụ trách tài chính và nuôi quân (Từ tháng 8/1945 – 12/1945), Phó Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc (từ tháng 10/1945 – 6/1946), Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc (Từ tháng 6/1946 – 1948). Sau đó, đồng chí được điều động về làm công tác Kinh tế - Tài chính của Trung ương Cục (từ năm1948 – 1954). Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí tham gia tập kết, chuyển quân ra miền Bắc. Năm 1955, đồng chí giữ vai trò Phó giám đốc trại Nhi đồng Trung ương. Sau đó, từ năm 1959 – 1962 là Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6 (Hải Phòng). Năm 1964, đồng chí phụ trách Phó giám đốc Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Năm 1966, đồng chí nghỉ hưu và trở về quê hương sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng đồng chí tiếp tục đóng góp ý kiến cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng Hội phụ nữ và chăm lo cho người nghèo ở địa phương.
Năm 1988, đồng chí Trần Thị Nhượng qua đời, thọ 92 tuổi. Cuộc đời và hoạt động của bà đã nêu tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức cách mạng trung kiên của người cán bộ, đảng viên, suốt đời thủy chung son sắt với Đảng và nhân dân. Bà đã được tặng thưởng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh. Tên bà được đặt cho trường trung học cơ sở ở xã Tân Qui Tây (thành phố Sa Đéc) và con đường trong nội ô thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa ĐécTác giả bài viết: PNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn