Phủ thờ Thư Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thư được xếp hạng di tích cấp tỉnh

Thứ tư - 19/07/2017 10:33
Sáng ngày 22/6, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu trao bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đối với Phủ thờ Thư Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thư theo Quyết định số 654/QĐ-UBND, ngày 20/6/2017. Hôm nay cũng là ngày giỗ lần thứ 224 của Thư Ngọc Hầu.
Phủ thờ Thư Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thư được xếp hạng di tích cấp tỉnh

Phủ thờ Thư Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thư tọa lạc tại số 330, ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây là cơ sở phụng tự chính của danh tướng Nguyễn Văn Thư, vị võ tướng được vua Gia Long sắc phong là Đặc Tấn Phụ Quốc, Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm Sai Chưởng Dinh, tước Thư Ngọc Hầu.

Cụ Nguyễn Văn Thư người huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường. Thân sinh là ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc gốc ở Quy Nhơn, vào Nam năm nào không rõ. Lúc mới đầu vào lập nghiệp, cha mẹ Nguyễn Văn Thư định cư bên bờ Nam sông Tiền (nay là xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) để khai hoang trồng lúa và săn bắt thú rừng. Họ có 5 người con trai, con đầu là Nguyễn Văn Sùng (bị cọp vồ mất xác), kế đến là ông Nguyễn Văn Thư, ba người em của ông là Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Diện và Nguyễn Văn Thập.

sá

Cổng Phủ thờ Thư Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thư

Vốn con nhà gia thế, ông Thư được cha mẹ cưới cho người vợ con nhà phú hộ ở Cái Nhum, miệt Hổ Cứ (nay là xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) tên là Nguyễn Thị Năng. Do vợ là người con duy nhất trong gia đình, nên ông Thư ở lại bên vợ cho tiện. Tuy nhiên, ông Thư vẫn thường về thăm cha mẹ và các em.

Cuối năm 1787 (năm Đinh Mùi), khi Nguyễn Phúc Ánh từ Xiêm về nước, chiêu mộ lực lượng, biết Nguyễn Văn Thư là người khẳng khái, có khí tiết, là con nhà hào mục trong vùng lại thạo nghề võ nên Nguyễn Chúa mời ông và hai người em cùng tham gia vào đội nghĩa binh. Ông theo về với Nguyễn Ánh dưới trướng Tôn Thất Hội cùng tham gia đi chiêu mộ nghĩa binh, được phong chức Khâm sai Cai cơ.

Tháng 6/1789 đặt đạo Kiên Đồn (ở cửa sông Tà Ôn dinh Vĩnh Trấn), Cai cơ Nguyễn Văn Thư được cử coi giữ và kiêm thu thuế của người Hoa. Tháng 10/1789, ông được thăng làm Chánh trưởng chi Tiền chi Hậu quân. Tháng 6/1790 thăng làm Khâm sai Tổng nhung Cai cơ Phó tướng Hậu quân. Đây là chức võ quan cao cấp, trật Chánh nhị phẩm ban võ.

sd

Bàn thờ Thư Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thư

Tháng Giêng năm 1791, Nguyễn Vương định lệ thuế cho hai phủ Ba Xắc và Trà Vinh. Sắc cho Hậu quân phó tướng là Nguyễn Văn Thư trông coi các việc thuế khóa kiện tụng ở hai phủ trên.Tháng 4/1791, chuyển làm Khâm sai Tổng nhung Cai cơ Phó tướng Tiền quân.Tháng 5/1792, thuộc cấp của ông nhũng nhiễu quân Phiên, việc bị phát giác, ông bị giáng làm Khâm Sai cai đội.

Tháng 5, năm 1794 trong trận chiến giữa quân chúa Nguyễn Phúc Ánh và Tây Sơn tại Thị Nại, Phó tướng tiền quân Nguyễn Văn Thư trong lúc chỉ huy đốc trận, bị trúng đạn chết, sau được truy lục chức Phó tướng và truy tặng Chưởng cơ.Tháng 6 năm Gia Long thứ 3 (1804), ông được liệt vào hàng công thần thờ ở gian hữu thứ hai của đền Hiển Trung Gia Định.Tháng Giêng năm Gia Long thứ 9 (1810), triều đình định thứ vị các công thần khai quốc, Tiền quân Phó tướng tặng Chưởng cơ Nguyễn Văn Thư được liệt vào hạng Trung hưng công thần. Con trai ông tên Nguyễn Văn Thiền sau làm chức Chánh đội trưởng.

Tháng 9 năm Gia Long thứ 13 (1814), Vua truy lục công trạng, truy tặng ông là Chưởng dinh. Tờ sắc phong được vua ban bằng lụa màu vàng vàng có kích thước dài 115 cm rộng 75 cm, xung quanh đường viền sắc phong thêu 12 con rồng với đủ các tư thế. Đến nay, sắc phong vẫn được hậu duệ gìn giữ cẩn thận.

Ngôi Phủ thờ Thư Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thư được kiến lập từ thời Gia Long, ban đầu chính là ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Thư, năm Gia Long thứ 13 (1814), cụ Nguyễn Văn Thư được Hoàng đế Gia Long cấp sắc truy phong Chưởng doanh, ban cho con cụ là ông Nguyễn Văn Thiền hưởng tập ấm chức Chánh Đội trưởng suất đội để phụng tự thì nơi đây chính thức trở thành ngôi Phủ thờ với các nghi tiết trang nghiêm. Đặc biệt, ngoài tờ sắc phong, Phủ thờ còn lưu giữ được một kỷ vật của cụ Nguyễn Văn Thư đó là bộ ván ngựa bằng danh mộc mà lúc còn sanh tiền cụ thường dùng để nghỉ ngơi. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), bà Năng qua đời, theo khẩu truyền trong họ tộc, khi hay tin bà Năng mất, vua Minh Mạng đã ban cho tấm triệu “Trung trinh liệt nữ” để Phủ lên áo quan. Mộ phần của bà được chôn tại phần đất phía sau phủ thờ. Ông Nguyễn Văn Thiền sanh được ba người con trai, sau khi ông qua đời, việc phụng tự giao lại cho con ông là Nguyễn Văn Đường tiếp nối, đến nay đã là đời thứ 7.

df

Sắc phong Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư

(được Hội đồng thẩm định Sắc phong do Ủy ban nhân

tỉnh Đồng Tháp thành lập, đã đánh số kiểm kê SVH.01)

Thấy được giá trị của sắc phong, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã thành lập hội đồng thẩm định sắc phong Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư theo Quyết định số 115/QĐ-UBND ngày 4 tháng 8 năm 2016. Kết quả thẩm định các thành viên đều thống nhất: Sắc phong Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư là bản gốc, cổ vật đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của Việt Nam thời Nguyễn; có giá trị về lịch sử, văn hoá và khoa học. Hai hiện vật đặc biệt giá trị còn lưu giữ tại Phủ thờ là sắc phong Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư bằng lụa thêu 12 con rồng, đóng ấn Phong Tặng Chi Bảo, được vua Gia Long ban cấp vào năm Gia Long thứ 13 (1814) và bộ ván ngựa bằng danh mộc, kỷ vật còn lại của cụ Nguyễn Văn Thư.

gf

Ván ngựa (Phản) Thư Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thư

Phủ thờ Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư là nơi thờ phụng danh tướng Nguyễn Văn Thư - bậc công thần Trung hưng của triều Nguyễn, người đã tử trận trong trận chiến giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn tại Thị Nại năm Giáp Dần (1794). Phủ thờ cũng là nơi lúc còn sanh tiền cụ Nguyễn Văn Thư đã lập gia thất cùng bà Nguyễn Thị Năng (sau được vua phong Nhứt phẩm phu nhơn). Cụ Nguyễn Văn Thư sau khi tử trận đã được vua Gia Long gia tặng Đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Thượng trụ quốc Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu, ban cho tên thuỵ là Uy Dũng. Con trai cụ là Nguyễn Văn Thiền được hưởng ấm thọ Chánh đội trưởng suất đội để phụng tự. Từ đó đến nay đã trên 200 năm với 7 đời con cháu nối nhau gìn giữ Phủ thờ.

fj

Toàn cảnh Phủ thờ Thư Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thư

Phủ thờ Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư đã được các thế hệ con cháu nối tiếp nhau gìn giữ cẩn thận và tổ chức đều đặn cúng các lệ giỗ trong năm. Lễ giỗ Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư tổ chức vào ngày 27, 28 tháng 5 hàng năm. Đây là lễ cúng lớn để họ tộc, con cháu tưởng niệm ngày cụ Nguyễn Văn Thư tử trận suốt hơn 200 năm nay. Tại Phủ thờ hàng ngày có con cháu trông nom hương khói, quản lý giữ gìn. Hiện nay, hậu duệ đời thứ 7 là ông Nguyễn Văn Mương là người kế thừa hương hỏa và thờ tự cụ Nguyễn Văn Thư và các đời tổ tiên. Ông và gia đình vẫn tiếp tục công việc trông nom, coi sóc Phủ thờ và gìn giữ đạo sắc phong Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư; đồng thời duy trì việc tổ chức lễ giỗ thường niên để con cháu có dịp tưởng nhớ đến công lao gây dựng dòng tộc, giúp nước phò vua của danh tướng Nguyễn Văn Thư.


 

Nguyễn Đình Tô

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

banner CDS
banner CDS
banner CDS
TKVB
banner
QPPL
1022
TCD
BVHTTDL
CTTDTDT
LCT
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay11,693
  • Tháng hiện tại290,481
  • Tổng lượt truy cập5,460,960
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây