DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT GÒ THÁP (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)

Thứ hai - 08/04/2024 21:11
Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp nằm trên địa bàn xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách huyện Tháp Mười khoảng 11 km về hướng Bắc, cách thành phố Cao Lãnh về hướng đông bắc 43 km.

Khu di tích Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối thế kỷ XIX với tên gọi Prasat Pream Loven (Chùa Nam Gian) do các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện. Từ đó vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhiều nhà khảo cổ học người Pháp đã đến đây đào thám sát và nghiên cứu khoa học di tích khảo cổ học này và phát hiện nhiều dấu tích di vật, hiện vật cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo, sau đó chiến tranh ác liệt việc nghiên cứu bị dừng lại.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu người Việt thuộc viện khảo cổ học Việt Nam và Trung tâm khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ) đã đến đây đào thám sát, khai quật khảo cổ học nhiều lần và tìm ra được 3 loại hình di tích quan trọng đó là di tích cư trú, mộ táng và kiến trúc.

- Di tích cư trú được phân bố rộng khắp ở vùng đất trũng (mặt ruộng thấp) được phát hiện ở tầng văn hóa tiếp giáp với đáy biển cổ. Di vật tìm thấy ở đây là bếp lửa, những mảnh nồi, hình có vòi ám khói, thanh củi cháy dở, cọc nhà sàn, tượng phật bằng gỗ và các đồ vật thờ phụng và sinh hoạt như chì lưới, bàn nghiền…

- Di tích mộ táng được phát hiện ở các gò cát đắp ở độ cao trung bình giữa di tích cư trú và di tích kiến trúc. Qua các đợt khai quật đã phát hiện 13 mộ táng, thu được trên 1.000 hiện vật, tùy táng chôn theo như: mảnh vàng có chạm khắc hoa văn, đá quí, đầu tượng, đồ gốm, nhẫn vàng, khuyên đeo tai bằng vàng…Những ngôi mộ hỏa táng được xây dựng qui mô lớn có khuôn viên bao quanh huyệt mộ hiện vật chủ yếu là gạch nung.

- Di tích kiến trúc được phát hiện ở các gò cao như: Gò Minh Sư, Gò Tháp Mười, Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Tháp Linh…vv…qua các đợt khai quật đã tìm thấy 8 di tích kiến trúc, chủ yếu là đền đài 7 điểm, thành quách 1 điểm. Hầu hết các di tích kiến trúc tìm thấy nằm sâu trong lòng đất, có qui mô lớn, được xây dựng công phu có tường thành bao bọc xung quanh để chống sự xâm lược của gió và nước, kiến trúc xây dựng ở trình độ cao, ở dạng xây chìm làm nơi thờ phụng có cạnh bẻ góc đều và trang trí hoa văn đẹp. Di vật, hiện vật tìm thấy ở đây chủ yếu là các tượng thần Visnu, Shiva bằng đá sa thạch, cột đá có chốt, các phiến đá có chạm khắc hoa văn.

Với kết quả nghiên cứu khoa học trong nhiều năm cho thấy cư dân cổ Gò Tháp về định cư khi biển vừa mới rút. Họ có nền văn minh khá cao, phát triển một số nghành nghề thủ công nghiệp, xây dựng tinh xảo đặc biệt là nghề gốm, kim hoàn, chạm khắc, kiến trúc…vv… Những nghề này chắc chắn phải dựa trên một nền công nghiệp, thủ công nghiệp và thương mại phát triển.

Như vậy, có thể khẳng định Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp là loại hình di tích khảo cổ học thuộc nền văn hóa Óc Eo rất đặc biệt ở vùng đồng bằng Nam Bộ bởi nó hội đủ cả 3 loại hình di tích cư trú, mộ táng, kiến trúc, được phân bố rất đều và gắn kết với nhau một cách liên hoàn, tập trung ở một khu vực rộng lớn.

Ngoài giá trị về khoa học khảo cổ học, Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp còn chứa đựng giá trị lịch sử cách mạng. Nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều thời kỳ đầu chống Pháp. Từ năm 1946-1948, Gò Tháp là căn cứ địa của xứ Uỷ Nam Bộ, Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, Khu ủy khu 8, nơi đây từng in dấu chân hoạt động cách mạng của các cán bộ cao cấp của Đảng ủy như đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Nguyễn Bình, Nguyễn Thị Thập…vv… Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 502 anh hùng những người con của quê hương Đồng Tháp đã đánh sập Viễn vọng đài cao 42m do chế độ Ngô Đình Diệm xây dựng để quan sát khống chế các hoạt động của quân giải phóng vào tháng 12 năm 1959.

Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp còn là một điểm danh lam thắng cảnh của vùng sinh thái ngập nước, nơi đây môi trường sinh thái còn mang nhiều dấu vết hoang dã, đã và đang bảo tồn được các thảm thực vật, động vật của vùng sinh thái ngập nước như: tràm, sen, sậy, năng, lúa trời, trăn, rắn, các loài chim, cá…vv… Gò Tháp còn là một điểm chứa đựng các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng lâu đời, nơi đây có Chùa Tháp Linh, Miếu bà Chúa Xứ, đền thờ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt đó, Khu di tích Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Quốc gia năm 1989 và năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt về loại hình di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật.

Du khách có thể đến tham quan, tìm hiễu các giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ của di tích tất cả các ngày trong tuần, đặc biệt trong năm tại Khu di tích có hai kỳ lễ hội lớn vào ngày rằm tháng 3 - Lễ hội vía Bà Chúa xứ, và rằm tháng 11 âm lịch- lễ hội tưởng nhớ công lao chiến đấu chống giặc giữ nước của hai vị anh hùng dân tộc Võ Duy Dướng, Nguyễn Tấn Kiều đã có công giữ nước, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; mỗi kỳ lễ hội đón trên ba trăm ngàn lượt khách.

Trong tương lai không xa, Gò Tháp sẽ là một trung tâm văn hóa quan trọng của tỉnh và của khu vực, vừa mang tính hiện đại vừa mang những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Một số hình ảnh:
GT 1
 
GT 2
 
GT 3
 
GT 4
 
GT 5
 
GT 6
 

Tác giả bài viết: PNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

banner CDS
banner CDS
banner CDS
TKVB
banner
QPPL
1022
TCD
BVHTTDL
CTTDTDT
LCT
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay860
  • Tháng hiện tại77,901
  • Tổng lượt truy cập6,589,449
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây