Đình Vĩnh Thới - Tân Hòa có từ thời Nguyễn thuộc thôn Tân Hòa, huyện Vĩnh An, tỉnh Vĩnh Long. Lúc mới hình thành, đình được xây dựng bằng những vật liệu giản đơn có sẵn như gỗ, tre, lá, do vị tiền hiền tên Phạm Thượng là người đầu tiên có công khai hoang lập đình. Đình được vua Tự Đức ban tặng sắc phong Thần Bổn Cảnh Thành Hoàng đề vào ngày 29/11 năm Tự Đức thứ năm.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển hàng trăm năm, với nhiều lần trùng tu tôn tạo, di dời, ngày nay, Đình tọa lạc tại ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù đã nhiều lần di dời do biến thiên của thời cuộc nhưng Đình Vĩnh Thới - Tân Hòa vẫn còn giữ được những nét đặc trưng của loại hình kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của ngôi đình ở Nam Bộ. Trong đó, nổi bật nhất là hệ thống kết cấu kiến trúc, hoành phi, liễn đối với nhiều nét chạm trổ đặc sắc.
Hằng năm, Ban tế tự Đình thần Vĩnh Thới - Tân Hòa đều tổ chức lễ hội cúng trong năm để tế cáo thần linh, trời đất cầu cho mùa màng được tốt tươi, người dân ấm no hạnh phúc. Các lễ cúng thường niên gồm có: khai sơn (mùng 7/01 âm lịch); Thượng điền (11-12/01 âm lịch); các ngày rằm lớn trong năm (15/01, 15/7, 15/10 âm lịch); Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch). Nghi thức và lễ vật dâng cúng trong các ngày lễ này đơn giản hơn so với lễ Kỳ yên Thượng Điền và Hạ Điền.
Trong các dịp lễ cúng thường niên,dịp lễ trọng đại nhất trong một năm được tổ chức vào ngày mùng 8 – 11/3 âm lịch với nội dung chính là lễ Kỳ yên Hạ điền và tế Quốc tổ Hùng Vương.
Qua hàng trăm năm, ngôi đình giữ nguyên vẹn giá trị lịch sử, nét kiến trúc, thẩm mỹ cao. Đình được xem là đối tượng nghiên cứu quan trọng của nhiều ngành khoa học xã hội như văn hóa, lịch sử, kiến trúc, ngôn ngữ. Đây cũng là nơi tín ngưỡng tiêu biểu ở địa phương, tổ chức lễ hội văn hóa, dân gian đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cho người dân trong và ngoài xã.
Với những ý nghĩa đó, Đình Vĩnh Thới - Tân Hòa được UBND Tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1513/QĐ-UBND.HC ngày 22/12/2016. Đó là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân trong huyện; góp phần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa lịch sử - văn hóa truyền thống của ngôi đình; tôn vinh những vị tiền hiền - người có công đóng góp, giữ gìn, tôn tạo ngôi Đình.
Tác giả bài viết: Thành Thuận, Đình Tô
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn