LƯỢC SỬ ÁO DÀI TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT

Chủ nhật - 02/03/2025 15:00
Áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời kì phát triển, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng

Trong từ điển Bách khoa Việt Nam, viết: áo dài là đồ…, che thân từ cổ đến đầu gối hoặc quá đầu gối. Áo dài có thể có từ 2- 5 thân, mở cạnh hoặc giữa; cổ đứng cao, thấp hoặc cổ bẻ, cổ tròn, cổ chữ V, cổ hình bầu dục; vai liền, vai nối hoặc vai bồng; tay dài hoặc không tay; vạt có thể dài, ngắn, rộng, hẹp; gấu gập, vê, thẳng, lượn, góc vuông, góc tròn,… [2, tr. 64]

Hoặc là áo dài: …gồm một chiếc áo dài, cổ cao, bó sát thân, xẻ dọc hai bên lên tới eo, mặc bên ngoài một chiếc quần rộng. [1, tr. 12]

Chính vì lẽ đó khi nhắc đến áo dài truyền thống, không ai có thể đưa ra được một định nghĩa rõ ràng, nếu không đặt nó ở trong một giai đoạn lịch sự nhất định.

1. Trang phục truyền thống trước năm 1885

Sự xuất hiện của áo dài có lẽ bắt nguồn từ áo giao lĩnh (năm 1744) – là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo giao lĩnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ở Đàng Ngoài, người dân mặc áo giao lĩnh, trang phục mang nét tương đồng với người Hán.

Ở xứ Đàng Trong, trước khi chúa Nguyễn Phúc Khoát “đặt phẩm phục”, “trai gái trong đất nước” vẫn “theo thể chế y phục của Bắc quốc” [3, tr. 109]

Đến năm 1744, do có ý tách hẳn sự ảnh hưởng của “Bắc quốc”, nhằm phân biệt giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, ngoài đặt phẩm hàm, chế áo mũ… Chúa Phúc Khoát còn qui định y phục mới cho dân… chúa đã yêu cầu tất cả phụ tá của mình vận quần dài bên trong một chiếc áo lụa. Bộ váy này kết hợp giữa trang phục người Hán và Chămpa. Có thể đây là hình ảnh của bộ áo dài đầu tiên. Dựa vào trang phục trước đó và dung nạp thêm đặc điểm của một số trang phục khác, hình thành một kiểu trang phục mới:

Về thường phục, áo tứ thân được cải tiến, hai bên nách trở xuống được khâu kín liền, không xẻ mớ; kết hợp quần hai ống (của người Hoa) thay cho váy truyền thống.Áo có cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hẹp hoặc rộng.

Về lễ phục, thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh chàm, vải đen, hoặc vải trắng. Còn các bức viền cổ và kết lót thì vẫn dùng như trước.

Vậy, bộ quần áo có nút thay thế cho váy, áo xẻ ngực thắt dây đã ra đời.

Sau một thời gian, thấy quần hai ống không hợp với thuần phong mỹ tục, Nguyễn Phúc Khoát giao cho triều thần, pha phối từ mẫu áo dài của người Chăm để che kín bớt quần hai ống. Và lúc này áo dài giống như áo của người Chăm, nhưng có xẻ nách.

Đến đời Gia Long – Minh Mạng, chiếc áo dài tứ thân được biến cải thành áo ngũ thân đi đôi với quần hai ống; rất phổ thông trong giới quyền quý và dân thành thị.

Áo ngũ thân cũng được may như áo tứ thân, nhưng vạt áo bên phải phía trước chỉ được may bằng một thân vải, còn vạt áo bên trái được may bằng hai thân vải như vạt áo đằng sau. Ngoài ra, áo ngũ thân có khuy áo như áo đàn ông, lúc mặc có thể cài khuy như áo dài ngày nay hoặc thắt vạt như áo tứ thân.

Quan điểm Nho gia coi quần áo, mũ mão như một phần của phẩm hạnh đạo đức. Nhà sử học Phan Huy Chú từng khẳng định: “Đạo nước không gì lớn bằng Lễ, Lễ là để làm rõ tôn ti. Quy chế áo mũ, nghi vệ là để phân biệt trên dưới” (Loại chí Lễ nghi chí). Ông cũng nhắc lại ý này trong sách Lễ ký: “Cố quý tiện hữu đẳng, y phục hữu biệt, triều đình hữu vị” (người sang hèn có bậc, y phục có phân biệt, có chỗ triều đình có ngôi thứ).

Do vậy các yếu tố về trang phục không chỉ mang ý nghĩa thẩm mỹ mà còn thể hiện sâu sắc các giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Sự kết hợp giữa các yếu tố trong trang phục không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với tổ tiên mà còn nhấn mạnh việc giữ gìn các giá trị đạo đức trong cuộc sống hàng ngày.

2. Trang phục truyền thống giai đoạn 1885 – 1945

Bước sang năm 1884, khi vương triều Nguyễn không đủ khả năng kháng cự trước sức mạnh xâm lược của thực dân Pháp. Buộc phải ký hòa ước Patenôtre (hay Hòa ước Giáp Thân) chấp nhận sự cai trị của Pháp trên toàn cõi Việt Nam.

Dưới chính sách cai trị của Pháp, làn sóng văn hóa Âu Tây có điều kiện tràn vào Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến thị hiếu của dân Việt. Những người tư sản, tiểu tư sản, tầng lớp thanh niên thành thị với các phong trào “đả cựu, nghinh tân” (打 舊 迎 新): Sống mới, Vui khỏe, Trẻ trung… Chiếc áo dài xưa cũng theo xu thế chung đó, bắt đầu được thay đổi.
AD 1
Chân dung Họa sĩ Cát Tường (1911- 1946)

Người mở đầu cho phong trào cách tân trong giai đoạn này là họa sĩ Nguyễn Cát Tường [1] với kiểu áo dài Lemur, năm 1934.

Là một trong những trí thức tân học, Nguyễn Cát Tường nhìn trang phục như những vật liệu kiến tạo cộng đồng tưởng tượng quốc gia dân tộc. Ông viết: “Các bạn là phụ-nữ Việt-Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ-nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật-bản chẳng hạn… mà cả nước Lồ-lố nữa, (nếu nó cũng là một nước)”[2]

2.1. Áo dài Lemur

Từ áo ngũ thân, Nguyễn Cát Tường, xây dựng ý tưởng mới. Cụ thể, áo dài Lemur, có cổ đứng cao từ 1cm đến 2cm, tay thẳng, may liền vải, cổ tay hẹp, viền nhỏ. Có kiểu ở cửa tay, gấu, nẹp cài cúc đều viền vải khác màu thành đường nẹp rộng khoảng 0,5cm gọi là áo lé nẹp, có loại gấu áo vê tròn lẳn.

Điểm đáng chú ý nhất của áo dài Lemur là khuy áo được cài trên vai, áo thắt eo, nối vai, tay phồng đi với quần ống loa. Chất liệu vải dùng để may áo là vải Tây, sử dụng các màu sắc tươi sáng thay cho các màu tối: nâu, đen.

AD 2
Nguyễn Thị Hậu - người phụ nữ đầu tiên mặc áo kiểu mới Lemur, ảnh Lemur

Những bức ảnh màu đầu tiên của nhiếp ảnh gia người Pháp Léon Busy cho thấy rõ từng chuyển biến về màu sắc trên trang phục của phụ nữ. Nhưng màu sắc thôi là chưa đủ, Cát Tường làm một cuộc cách mạng triệt để từ gót chân lên tới đỉnh đầu, từ trong ra ngoài cho thời trang nữ giới. Điểm đột phá quan trọng trong trang phục áo dài Lemur Cát Tường là quần cài cúc và áo ngực. Không chỉ bỏ cạp quần truyền thống thường dùng dây vải rút rất thô, họa sĩ Cát Tường còn sử dụng hàng cúc bấm khiến vòng ba phụ nữ được phô ra, đồng thời chiết eo áo để tôn lên đường cong hoàn mỹ vốn chỉ có ở nữ giới.

Nhìn rộng hơn, làn sóng cách tân trang phục phụ nữ đã có từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Phong trào cải cách y phục nữ giới do họa sĩ Nguyễn Cát Tường khởi xướng dưới sự bảo trợ truyền thông của nhóm Tự Lực văn đoàn đã tạo nên những ảnh hưởng xã hội vô cùng to lớn. Tự Lực văn đoàn đứng sau lưng Cát Tường Lemur, hỗ trợ truyền thông và đồng hành sáng tạo với thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương.

2.2. Áo dài Lê Phổ

Nhưng trong lúc này, chiếc áo dài Lemur, chỉ được một số ít có “tư tưởng Tây” mặc, phần còn lại không mấy hoan ngênh. Vì theo văn hóa Nho gia truyền thống, đề cao cộng đồng xã hội và gia đình. Phụ nữ không được xem là những cá thể, bổn phận của phụ nữ là việc “xó bếp”, nên không cần phải làm dáng, không cần phải quần quần, áo áo… làm đẹp (theo nghĩa hiện đại); do vậy, áo Lemur “thắt lưng, bó eo” – “khêu gợi” là điều tối kỵ, trái với quan niệm Nho phong, Lễ giáo.

Chính vì lẽ đó, áo dài Lemur lại được cách tân…

Trên cơ sở áo dài Lemur, một họa sĩ tên Lê Phổ[1]: bỏ các điểm nhấn ở cổ áo, tay áo, phồng tay; đưa thêm các yếu tố của áo tứ thân, ngũ thân vào. Tạo ra một kiểu áo vạt dài, cổ kín, cài nút bên phải, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn, vẫn kết hợp với quần ống loa. Áo dài Lê Phổ được may bằng vải màu mặc với quần trắng… kiểu áo này được nhiều người chấp nhận.

Đây cũng là một sự kết hợp mới từ áo tứ thân, biến thể của áo dài Lemur của họa sĩ Lê Phổ nên được gọi là áo dài Lê Phổ.

Áo dài Lê Phổ đã thu gọn kích thước áo dài để ôm khít thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Nói cách khác, áo dài Lê Phổ khiến nó trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn.

Sau bốn năm phổ biến, “áo dài Lemur” được hoạ sĩ Lê Phổ đã bỏ hết những ảnh hưởng phương Tây và thay thế bằng những chi tiết từ áo tứ thân. Từ thời điểm này đến những năm 1950, phong trào cách tân áo dài Việt Nam đã trở nên vô cùng sôi nổi trong truyền thống nước nhà.

3. Trang phục truyền thống giai đoạn từ sau năm 1945

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), áo dài chỉ được phổ biến ở các thành phố do Pháp tạm chiếm.

Còn các vùng khác, dường như không được chú ý…

Ngay từ năm 1947 trong bối cảnh Việt Nam vừa tuyên bố độc lập; các phong trào “diệt giặc đói, giặc dốt” đang được phát động.

Đồng thời, nhằm tiết kiệm hơn nữa, ngày 20 tháng 3 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong “Đời sống mới” đã vận động người dân vùng tự do bỏ thói quen mặc áo dài vì mặc áo dài không mấy tiện cho việc đi đứng. Lại thêm, áo dài tốn vải, khoảng hai cái áo dài may được ba cái áo ngắn. Nên nếu chỉ mặc áo ngắn có thể dư được một khoảng tiền lớn trong năm. Cuộc vận động này dần dần đã được người dân hưởng ứng. Cho nên có một thời gian, áo dài không còn là trang phục thông dụng của phụ nữ Việt Nam ở Bắc vĩ tuyến 17.

3.1. Áo dài Raglan

Từ sau năm 1954, với hiệp định Genève đất nước bị chia cắt thành 2 miền, chiến tranh chống Mỹ nổ ra sau đó. Ở miền Bắc, áo dài vẫn không thích hợp với những cuộc sống khó khăn của dân Việt; áo dài chỉ được tiếp tục phát triển ở miền Nam.

Đầu thập niên 1960, nhà may Dung ở phường Đakao, Sài Gòn đưa ra một kiểu áo dài mới, áo dài Raglan (giác lăng). Điểm mới của áo dài nhà may Dung: tay dài raglan tay áo và thân áo được nối xéo góc khoảng 45 độ, hai bên nách và vai không có những đường nhăn (so với kiểu áo trước đó) ôm sát người hơn. Áo được mặc với quần xéo. Quần may bằng vải mềm, được xếp xéo góc khi cắt, có hông ôm sát người và hai ống dài qua mắt cá chân.

Thời gian khi hàng ni-lông tràn ngập miền Nam, áo dài lại có một biến tấu khác, các kiểu áo dài mỏng xuất hiện, cổ khoét sâu xuống, cổ tròn, cổ vuông, cổ nhọn… có loại không tay, may liền, thân áo có hoa văn.

3.2. Áo dài Mini Raglan

Áo dài được cách tân hơn cả và làn sóng thời trang áo dài thực sự bắt đầu vào những năm của thập niên 60. Ngày 06 tháng 12 năm 1958, “áo dài Bà Nhu” xuất hiện lần đầu tiên tại buổi khai mạc triển lãm “Nữ Công” tại cô nhi viện Nữ Vương Hòa Bình ở Sài Gòn. Trong chiếc áo dài không cổ, tay lở, bà Nhu tóc bới cao, mang găng tay trắng,…. đã gây ra nhiều tranh cãi. Các bà các cô trong hội “Phụ nữ liên đới” bắt đầu chạy theo “mốt”. Thiếu nữ Sài Gòn bắt đầu cập nhật xu hướng. Lần lượt các kiểu áo dài cổ thuyền, cổ vuông, cổ tròn, cổ tim và cả kiểu “cổ cót” kín đáo đều được bà Nhu “lăng xê”.

Loại áo của giai đoạn này là Trần Lệ Xuân với phong trào “Phụ nữ liên đới”, lấy kiểu áo tầm vông của người phụ nữ Khmer chưa chồng, may cổ hở cho chiếc áo dài Việt. Đây là loại áo dài “Mini Raglan”, vốn là áo Raglan nhưng được cắt may ngắn hơn: tà áo rất hẹp, vạt ngắn đến đầu gối, cổ cao, tay áo ngắn, có tay rộng, tà được xẻ cao.

AD 3
Kiểu áo dài Raglan (Cần Thơ, năm 1966)

Thời trang của phụ nữ miền Nam Việt Nam những năm 50 – 70 vẫn xem áo dài là chuẩn mực tuy nhiên cởi mở và phóng khoáng hơn. Việc sử dụng quần áo lót phương Tây đã phổ biến với phụ nữ thành thị. Những chiếc áo đôn nhọn đỉnh ngực là “thời thượng” nhất. Áo dài khi đó đặc biệt có eo áo được chít chặt để nhấn mạnh đường cong “thắt đáy lưng ong” đầy gợi cảm.
 

AD 4
AD 5
Áo dài ngày nay

Trong giai đoạn gần đây, do có sự đa dạng về vải, chiếc áo dài nữ vẫn tiếp tục có những thay đổi. Nhưng sự thay đổi không lớn, về bản chất kết cấu trước đó vẫn được đảm bảo. Cổ áo, gấu áo, và eo áo: cổ áo thì lúc cao, lúc thấp, lúc rộng, lúc hẹp; gấu áo thì lúc vén cao, lúc hạ thấp; eo áo thì lúc nhỏ lúc to. Những thay đổi này đi đôi với những thay đổi nhỏ của chiếc quần: chân què qua đáy giữa, lưng quần thắt dải rút rồi tới dây thung, gài nút, và sau cùng là dùng phẹc-mơ-tuya (fermeture), ống quần thì lúc rộng lúc hẹp theo thị hiếu thẩm mỹ của từng giai đoạn… Và hiện nay, áo dài lại có nhiều biến tấu khác, từ tay áo, cổ áo, vạt áo đến cách kết hợp với kiểu quần… Rất đa dạng, tùy theo sở thích, ý tưởng của từng người.

***

Áo dài Việt Nam đã có một tiến trình biến đổi lâu dài, qua hơn hằng thế kỷ. Do vậy, việc xác định “kiểu mẫu” của một bộ áo dài truyền thống, cũng còn là một vấn đề bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nếu như chúng ta hiểu từ “truyền thống” là những yếu tố về sinh hoạt xã hội, văn hoá, tư tưởng, tình cảm, lịch sử được sàng lọc qua thời gian… nghĩa là xét tính truyền thống dựa trên yếu tố thời gian và tính giá trị của nó, trong đó tính giá trị giữ vai trò chính, thì chúng ta sẽ có “kiểu mẫu” cho một chiếc áo dài truyền thống. Bởi vì, trang phục áo dài ngày nay tuy đa dạng về màu sắc, chất liệu và kiểu dáng, thể hiện rõ nét về nữ tính, dịu dàng và thướt tha… nhưng trong đó, yếu tố thuần phong mỹ tục và thị hiếu thẩm mỹ luôn giữ vai trò chủ đạo.

 

Tài liệu tham khảo

1. Hữu Ngọc – Lady Borton (2006), Áo dài “Women’s long dress”, Thế giới Publishers.

2. Hội đồng quốc gia (1995), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa.

3. Lê Quý Đôn (1972), Phủ biên tạp lục, Tủ sách cổ văn - Ủy ban dịch thuật.

4. Đoàn Thị Tình (1987), Tìm hiểu trang phục Việt Nam, NXB Văn hóa.

5. Phạm Anh Trang (2010), Hỏi đáp về Trang phục truyền thống Việt Nam, NXB Thời Đại.

6. Việt Hùng (2003), Áo dài Xưa & Nay, NXB Mỹ Thuật.

7. Quốc triều sử quán (1962), Đại Nam thực lục Tiền biên, Viện Sử học.

8. Nguyễn Tà Cúc (9-2012), Sự ra đời của chiếc áo dài cải tiến “Lemur” và vai trò của Tự lực Văn đoàn, Tạp chí Xưa & Nay.


[1] Lê Phổ sinh ngày 2 tháng 8 năm 1907 tại Hà Nội trong một gia đình thượng lưu. Cha của ông, Lê Hoàn là một vị quan trong triều đình và là một đồng minh quan trọng của chính quyền thực dân Pháp. Lớn lên trong một nơi có địa vị và đặc quyền, Lê Phổ được đào tạo cả về văn học chữ Hán và trường học Pháp. Năm 16 tuổi, ông theo học trường Chuyên nghiệp Hà Nội, còn gọi là Trường Mỹ thuật Ứng dụng, và tại khoa vẽ, ông học cơ bản về vẽ và tô, tỷ lệ và màu sắc.


[1] Nguyễn Cát Tường, bút danh Lemur Cát Tường sinh năm (1911-1946), quê ở Sơn Tây, học khóa IV (1928-1933) ngành Hội họa, Trường Mỹ thuật Đông Dương, là chủ của một cửa hàng thời trang “Cửa hàng mốt phụ nữ tân thời”.

[2] Trích “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” - Phong hóa, số 86, ra ngày 23/2/1934.

Tác giả bài viết: DvT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

banner CDS
banner CDS
banner CDS
TKVB
banner
QPPL
1022
TCD
BVHTTDL
CTTDTDT
LCT
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập108
  • Hôm nay9,273
  • Tháng hiện tại9,273
  • Tổng lượt truy cập6,520,821
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây