04 10

ĐỒNG THÁP CÓ THÊM 04 DI TÍCH ĐƯỢC XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

Thứ tư - 03/02/2021 14:14
Ngày 02tháng 02 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ký Quyết định xếp hạng 04 di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh đối với: Khu du lịch văn hóa Phương Nam (xã Long Hưng A, huyện lấp Vò), đình Bình thạnh Trung (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò), đình An Long (xã An Hòa, huyện Tam Nông), đình Tịnh Thới (xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh).
ĐỒNG THÁP CÓ THÊM 04 DI TÍCH ĐƯỢC XẾP HẠNG  DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

1.Khu du lịch văn hóa Phương Nam (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò)

Khu Du lịch Văn hoá Phương Nam là quần thể công trình văn hóa kiến trúc nghệ thuật được xây dựng nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai mở, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam cũng như tổ tiên họ Đặng. Tổng thể của Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam có diện tích 50.000m2, bao gồm 05 hạng mục chính: Dãy trường lang, Bảo tàng Nam Phương Linh Từ, Bảo tàng Đặng tộc Nam Phương Linh Từ, Đền thờ Đặng tộc Nam Phương Linh Từ và Đền thờ Nam Phương Linh Từ. Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống của Việt Nam mang đậm dấu ấn của triều Nguyễn nhưng có cải tiến theo phong cách xây dựng nhà của Nam bộ - mái hạ, hàng hiên. Các hệ thống cột, kèo được liên kết với nhau bằng kỹ thuật ráp mộng chắc chắc; trên các hoành phi, bao lam được chạm trỗ rất công phu, tỉ mỉ theo các chủ đề: tứ linh, tứ quý…tất cả đều đạt trình độ mỹ thuật cao.

Hàng năm Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam tổ chức lễ hội theo nghi thức truyền thống vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch, trong đó có 2 hoạt động chính: Giỗ hội các nhân vật lịch sử đất Phương Nam, giỗ thuỷ tổ Đặng Nhân Cẩm (Thủy tổ của họ Đặng ở Long Hưng). Bên cạnh các hoạt động tế lễ mang yếu tố tâm linh, Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam còn kết hợp nhiều hoạt động văn hóa, du lịch rất phong phú đa dạng. Trong thời gian gần đây, Ban Giám đốc đã chú trọng đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình nhằm mục đích phát triển du lịch như: dịch vụ xe điện, xe ngựa để đưa đón khách tham quan tại tất cả các hạng mục công trình, mở rộng công viên nước với nhiều trò chơi tạo cảm giác mạnh và hấp dẫn, xây dựng nhà xiếc thú để phục vụ trẻ em…
 

2
Đình Bình Thạnh Trung

2. Đình Bình Thạnh Trung (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò)

Đình Bình Thạnh Trung là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh đã được vua Tự Đức ban Sắc phong vào năm 1853. Ngôi đình có lối kiến trúc tiêu biểu của đình làng Nam bộ bao gồm nhiều nhà tứ trụ kết nối với nhau, các hoành phi, bao lam được chạm lọng tinh xảo với nhiều đề tài: tứ linh, hoa lá, hình chữ Vạn…tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ.Ngoài ra, đình Bình Thạnh Trung còn thờ nhân thần Nguyễn Văn Ở, Ông làm quan dưới triều Nguyễn và có công đánh đuổi giặc Cao Miên quấy phá. Khi tuổi cao, Ông xin về quê và được nhân dân bầu làm Hương cả của làng Tân Bình ngày xưa – xã Bình Thạnh Trung ngày nay. Chính ông Nguyễn Văn Ở là người có công xây dựng lại ngôi đình vào năm 1897. Từ những công lao đóng góp của Ông, cho nên sau khi mất, nhân dân đã đưa linh vị của Ông về thờ tại đình. Hiện tại, mộ ông Nguyễn Văn Ở đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh vào năm 2007. Mỗi năm, đình có hai lệ cúng thu hút trên 3.000 người đến tham gia: Hạ điền (17-18 tháng 3 âm lịch) Thượng điền (27-28 tháng 11 âm lịch).
 

3
Đình An Long

3. Đình An Long (xã An Hòa, huyện Tam Nông)

Đình An Long được xây dựng tại xã An Hòa, huyện Tam Nông nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương và các vùng lân cận như: xã An Hòa, An Long và Phú Ninh. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nơi đây diễn ra nhiều hoạt động sự kiện quan trọng như: thành lập chi bộ xã An Long vào ngày 10/9/1945 theo sự chỉ đạo của Huyện ủy Hồng Ngự. Ngày 06/01/1946 theo sự chỉ đạo tỉnh Châu Đốc tại Đình An Long đặt trụ sở bầu cử 05 đại biểu Quốc hội, khóa đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 4/1964 tại đình An Long bộ đội của ta huy động lực lượng tích cực vận động quần chúng đấu tranh trực diện với địch, đòi bồi thường nhân mạng, buộc địch xin lỗi gia đình nạn nhân và không được bắn phá bừa bãi,địch phải nhượng bộ, chấp nhận yêu cầu của ta. Đặc biệt, trong những năm 1973-1975 đình An Long còn là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng, là nơi trung chuyển cán bộ ta từ vùng kháng chiến về công tác tại các xã Cù Lao Tây rồi chuyển tiếp đến các cơ sở kháng chiến: huyện phú Tân, tỉnh An Giang, huyện Thanh Bình, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp). Trong năm đình có lệ cúng Hạ điền (19-20 tháng ba âm lịch) có quy mô lớn với hàng ngàn người dân đến viếng bái; nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được diễn ra.
 

4
Đình Tịnh Thới

4. Đình Tịnh Thới (xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh)

Đình Tịnh Thới được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, mang tên gọi của làng, được vua Tự Đức ban sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh” vào năm 1852. Đình được hình thành từ khá sớm gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của dân cư trên vùng đất mới, ghi dấu ấn lịch sử phát triển của vùng đất Tịnh Thới thuộc huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, dinh Vĩnh Trấn và nay là xã Tịnh Thới, thành phố Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đình còn là cơ sở tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng dân cư trong buổi đầu định cư và xây dựng đời sống mới, qua đó phản ánh sinh động quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa tâm linh ven sông Tiền. Cho đến nay, đình Tịnh Thới vẫn còn lưu giữ sắc phong “thần Bổn Cảnh Thành Hoàng”.

Trải qua thời gian dài tồn tại và phát triển, đình Tịnh Thới vẫn giữ được nét uy nghi và cổ kính. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử - gần hai trăm năm, song đình vẫn còn bảo tồn và lưu giữ yếu tố nguyên trạng từ ban đầu như: kết cấu bộ khung gỗ cột, kèo, xuyên, trính và nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, nghệ thuật như: hoành phi, liễn đối, án thờ cùng nhiều vật dụng thờ tự khác. Đình Tịnh Thới là một công trình mang giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của đình làng Nam bộ. Từ kỹ thuật lắp ráp dựng nhà theo kiểu “ăn mộng” âm – dương là sự thể hiện một trình độ cao của tay nghề các nghệ nhân. Các mảng trang trí không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, sử dụng nhiều kỹ thuật chế tác: chạm, khắc, đắp nổi…thể hiện đường nét sinh động, uyển chuyển. Đình diễn ra hai lệ cúng chính trong năm thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến cúng bái: Hạ Điền diễn ra vào ngày 20-21 tháng Ba âm lịch (đây là lễ hội có quy mô lớn nhất của Đình), Thượng Điền diễn ra vào ngày mùng 9-10 tháng Chạp âm lịch.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 91 di tích lịch sử - văn hóa (01 di tích Quốc gia đặc biệt, 16 di tích Quốc gia và 74 di tích cấp Tỉnh) và 04 di sản văn hóa phi vật thể (01 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và 03 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia)./.

Tác giả bài viết: LÊ NHỨT LIL

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LICH
CTTDT Dong Thapcuc di san van hoa
banner van ban QPPL
covid
MENU SVH 01 LICH TIEP CONG DAN
CHUYEN MUC CAI CACH HANH CHINHTKVBbanner CDS
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay36
  • Tháng hiện tại1,930
  • Tổng lượt truy cập1,591,331
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây