Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp

https://baotang.dongthap.gov.vn


Đề nghị đưa “Làng hoa kiểng Sa Đéc và nghề dệt choàng” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 02 tháng 12 năm 2015, Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh vừa ban hành văn bản số 351/UBND-VXKG đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Làng hoa kiểng Sa Đéc và nghề dệt choàng” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia.
Đề nghị đưa “Làng hoa kiểng Sa Đéc và nghề dệt choàng” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Làng hoa kiểng Sa Đéc có lịch sử hình thành trên 100 năm.Ban đầu, nghề trồng hoa kiểng nơi đây khởi nguyên và phát triển mạnh mẽ ở làng Tân Qui Đông, về sau lan rộng ra các vùng như rạch Sa Nhiên, phường An Hòa, xã Tân Khánh Đông, và phường 3 thuộc thành phố Sa Đéc. Với hơn 2.000 hộ dân trồng hoa kiểng trên diện tích 300 ha.

7

Nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc

Nói về Nghề dệt choàng, được ra đời từ đầu thế kỷ 20, ở ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự. Hiện nay có khoảng 50 hộ dân, với hơn 120 khung dệt hoạt động, sản phẩm được tiêu thụ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Vương quốc Campuchia.

8

Nghề dệt choàng ở huyện Hồng Ngự

Tỉnh Đồng Tháp có 24 di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian. Trong đó, có 03 DSVHPVT được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia là: Nghệ thuật Đờn ca tài tử; Nghề dệt chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò và Nghề đóng xuồng ghe, xã Long Hậu, huyện Lai Vung.

Trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác quản lý nhà nước chặt chẽ cũng như tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động, sự kiện có chiều sâu về nội dung lẫn hình thức nhằm tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh nhà, tiêu biểu như: Hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động lễ hội truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở, tín ngưỡng tôn giáo, thanh tra, giám sát các hoạt động tại lễ hội; mở các lớp đào tạo bài bản Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp, điệu lý, dân ca Nam bộ, tổ chức nhiều hội thi, liên hoan; phối hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, trình diễn nghề thủ công truyền thống; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa bằng các hình thức: ghi âm, phim ảnh, sách tư liệu, hồ Sơ; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tại di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục lựa chọn các DSVHPVT tiêu biểu và DSVHPVT có nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp thực hiện hồ sơ khoa học trình UBND Tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục quốc gia.
                                                                 (Nguồn: Cổng thông tin Đồng Tháp)

                                                                                                                                                                                                                                                 
                                                                                                                                                                                                                                                                 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây