Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp

https://baotang.dongthap.gov.vn


Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều với căn cứ chống Pháp tại Gò Tháp

Gò Tháp hiện nay là khu di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại ấp 1, xã Tân Kiều và ấp 1, xã Mỹ Hòa huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Với diện tích được qui hoạch khoanh vùng bảo vệ hơn 290 ha vào năm 2005, nơi đây, Thiên Hộ Võ Duy Dương, Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều chọn làm căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi thực dân Pháp vào những năm 1864 – 1866.
Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều với căn cứ chống Pháp tại Gò Tháp

Võ Duy Dương (1827 – 1866), quê ở thôn cù Lâm Nam, nay là Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
 

11

Chân dung Võ Duy Dương (Ảnh tư liệu)

Nguyễn Tấn Kiều (? – 1866) chưa xác định được năm sinh và quê quán, ông là Phó tướng của Võ Duy Dương. Tương truyền, ông là người gốc miền Trung vào sinh sống ở huyện Kiến Đăng, tinh Định Tường, đầu quân chống giặc ở đồn Kỳ Hòa, khi đồn thất thủ ông không theo quân triều đình rút về Biên Hòa, mà về đưa quân về sầm Giang, Kiến Đăng định lập căn cứ. Nhưng khi Trương Định lập căn cứ ở Tân Hòa – Gò Công, ông về theo Trương Định, ông được phong chức Đốc binh và trở thành trợ thủ đắc lực của Thiên hộ Dương, ở đây ông chiến đấu anh dũng, không những lập được nhiều công trận và còn hết lòng chiêu mộ được nhiều binh sĩ gia nhập nghĩa quân.

Khi Trương Định hy sinh (năm 1864). Thiên hộ Dương quyết định rút vào Gò Tháp lập căn cứ, ông được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ và chịu trách nhiệm Đồn tả, đề phòng giặc Pháp từ Cái Bè, Cái Lậy vô. Ông chủ động kéo quân ra đánh Cai Lậy và nhiều nơi khác, ông vận dụng nhiều chiến thuật du kích kết hợp với kinh nghiệm dân gian sáng tạo các cách đánh độc đáo, như đốt đồng, dùng ong, trâu, hầm chông v.v. làm cho quân Pháp và tay sai vô cùng khiếp sợ. Cả tuyến dài từ Cái Bè đến Cai Lậy, ông luôn giữ thế chủ động, quân Pháp căm tức nhưng không làm gì được ông.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và đặt chân lên đất Nam kỳ, chúng đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân. Hai căn cứ nghĩa quân làm chúng quan ngại nhiều nhất là căn cứ Tân Hòa (Gò Công) của Trương Định và căn cứ Đồng Tháp Mười của Võ Duy Dương.

Võ Duy Dương là một trong các lãnh tụ kháng chiến chống thực dân Pháp đầu tiên của Việt Nam. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, lực lượng của ông đặt dưới quyền chỉ huy chung của Trương Định. Ông và người trợ thủ đắc lực là Nguyễn Hữu Huân chịu trách nhiệm một địa bàn rộng lớn và trọng yếu. Đó là dãy đất Ba Giồng (gọi theo địa danh cũ) chạy dài từ phía Nam sông Vàm Cỏ Tây qua Gò Cai Én đến Bình Cách, gò Trấn Định rồi gò Cai Lữ, Thuộc Nhiêu … kéo đến tận Cái Thia, Cái Bè, ngăn chặn sự xâm nhập của thực dân Pháp vào sâu trong nội địa tỉnh Định Tường.

Đến khi Trương Định anh dũng hy sinh (24/8/1864), nghĩa quân Võ Duy Dương trở thành trung tâm thu hút các lực lượng yêu nước ở Nam kỳ và địa bàn hoạt động lan rộng khắp Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, biên giới Việt Nam - Campuchia. Võ Duy Dương đã sử dụng Đồng Tháp Mười, một địa thế sình lầy đầy lau, sậy, đỉa, muỗi, không có đường giao thông làm nơi chiến lược gây cho thực dân Pháp nhiều phen kinh hoàng.

Lập căn cứ ở Đồng Tháp Mười (chủ yếu là khu vực Gò Tháp), Võ Duy Dương khắc phục được nhược điểm về địa hình, đường giao thông hầu như không có. Mùa nước là cả một biển nước mênh mông, mùa khô nắng cháy, oi bức, thiếu nước ngọt … quả thật là một địa bàn lý tưởng cho loại hình du kích chiến tranh. Xuất phát từ địa hình, nghĩa quân sáng tạo nhiều lối đánh giặc phong phú, đa dạng, ở thế công hay thủ đều thuận lợi.

Mạng lưới sông rạch chằng chịt ở vùng ven và địa hình thay đổi theo mùa của Đồng Tháp Mười cho phép nghĩa quân tổ chức những trận du kích chiếm lĩnh hoạt động với kinh nghiệm tích lũy qua bao thế hệ và sáng tạo thêm tạo điều kiện cho họ giành ưu thế trước quân thù. Ở đây kẻ thù rơi vào thế trận của đất nước và người, do đó chúng không những đối phó với một cộng đồng mà còn đối phó với cả một truyền thống… nên không lạ gì dù chiếm ưu thế về binh khí kỹ thuật và phương tiện chiến tranh, nhưng không sao chúng kiểm soát nồi Đồng Tháp Mười.

Chính Paulin Vial, vừa là một sĩ quan, vừa là một Thanh tra Bổn quốc sự vụ, đã cay cú viết: “Đồng Tháp Mười ở phía tây bắc Mỹ Tho, dùng như là một căn cứ bất khả xâm phạm mà từ đó kẻ thù có thể tiến hành hàng ngày nhiều cuộc tấn công vào các làng mạc của chúng ta mà không thể trừng trị được”.

Đồng Tháp Mười còn một lợi thế nữa, là cầu nối miền Đông với miền Tây Nam kỳ và là cửa ngõ ăn thông Campuchia. Nhưng ngược lại, Đồng Tháp Mười cũng có một hạn chế rất lớn là không tự túc được lương thực, thêm nữa đường giao thông hầu như không có, tiếp tế trở thành một trong những khâu then chốt của Đồng Tháp Mười. Khi còn hoạt động ở Ba Giồng, Võ Duy Dương đã nhận ra cái thế “phên dậu” giữa Ba Giồng và Đồng Tháp Mười.

Ngoài ra còn một con đường nữa không kém phần quan trọng là con đường thủy duy nhất theo rạch Cần Lố trổ ra Doi Me nối liền Cao Lãnh (hồi ấy còn gọi là Câu Lãnh) để nhận sự tiếp tế của ba tỉnh miền Tây Nam kỳ.

Một trong những người có công góp phần giúp Võ Duy Dương thiết kế xây dựng căn cứ này là Trần Trọng Khiêm (1821-1866). Ông người làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi tỉnh Phú Thọ, sau đổi tên là Lê Kim (theo họ bên vợ) và trở thành thủy thủ cho một tàu buôn thường xuyên đi Hương Cảng, Hoàng Tân (Nhựt Bổn), Amsteerdam (Hà Lan), Luân Đôn (Anh Quốc) … ông thông thạo tiếng Quảng Đông và tiếng Anh.

Năm 1848, ông đến Hoa kỳ, theo đoàn người đi tìm vàng ở miền Viễn Tây, chán cảnh sống hổn độn, trụy lạc, cướp bóc của đám người tìm vàng, ông trở về California làm nhân viên cho Nhựt báo Daily Evening. Nhờ thông minh, tháo vác và chịu khó rèn luyện, chẳng bao lâu ông trở thành một chủ bút của tòa báo. Với bút danh Lee Kim, ông chuyên viết về đề tài cuộc sống khủng khiếp của người nô lệ và kẻ đi làm thuê trên đất Mỹ.

Cuối năm 1854, ông về Hồng Kông rồi về nước, nhưng chưa dám về quê, đành cùng vài người bạn vào Nam kỳ sinh sống, ông tình cờ tìm đến vùng Ngưu Châu (tức Cù lao Trâu, lúc bấy giờ thuộc tổng An tịnh, Phủ Tân Thành tỉnh An Giang). Năm 1862, tham gia lực lượng nghĩa quân Võ Duy Dương, khi nghĩa quân rút vào Tháp Mười lập căn cứ, ông dựa theo cách thiết kế hào lũy, công sự chiến đấu, tháp canh … của đồn Suter (còn gọi phòng tuyến California) do đại úy Suter (sau thăng đến Đại tướng) thiết kế, xây dựng ở California mà ông có dịp tận mắt quan sát, để xây dựng hệ thống đồn lũy ở Tháp Mười.

Hệ thống đồn lũy của căn cứ Tháp Mười một đại bản doanh gồm: (đồn Trung) ba đồn chính (đồn Tiền, đồn Tả, đồn Hữu) cùng nhiều đồn nhỏ và tháp canh án ngữ vòng ngoài, tạo thành thế chân vạc bảo vệ đồn Trung.

* Đồn Tiền: Nằm trên gò Bãi Liếp (do đó còn được gọi là đồn Bãi Liếp hoặc Tràm Liếp), cách đồn Trung 6 km về phía Đông Nam, trên con đường gạo từ Cái Nứa vào Gò Tháp, cạnh kinh Ba thuộc xã Tân Kiều ngày nay, Đồn có hình thang, đáy lớn hướng về phía Mỹ Tho, đáy nhỏ quay về Gò Tháp, hai đáy cách nhau 25m. Hiện nay tại đường đáy nhỏ còn sót một gò đất cao, đó là dấu vết của tháp canh, chung quanh đồn là hào lũy cao 2,5m như các đồn khác.

* Đồn Tả: Tọa lạc trên Gò Giồng Dung (còn gọi là Bắc Dung), nay thuộc xã Hậu Thạnh Tây (huyện Tân Thạnh, Long An), cạnh Đìa Gừa, trên con đường gạo từ Bắc Chiêng xuống Gò Tháp, cách đồn Trung 7km về phía Tây Bắc.

* Đồn Hữu: Nằm trên gò Động Cát (còn gọi là Giồng Cát), cách đồn Trung 6 km về phía Tân Nam, nay thuộc xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, án ngữ con đường rạch Cần Lố.

* Đồn Trung: Còn gọi là Ổ Bịp, trong báo cáo gửi cho vua Tự Đức năm 1864, Võ Duy Dương gọi là đồn Bảo An, đồn nằm ở trung tâm Gò Tháp, gần trùng với vị trí đền thờ hai ông hiện nay, đồn có hình tứ giác không đều, chu vi 675m. Năm 1978, một vạt bờ thành phía Nam cắt ngang mặt Gò theo hướng Bắc Nam còn rất rõ, cho phép chúng ta hình dung bốn mặt đồn Trung nằm đúng theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và trục đường hiện nay chia đồn ra hai phần không đều, đồn có hai lần hào và một lần lũy đất. Trên có tháp canh, dưới có lỗ châu mai có thể quan sát và tác xạ cả hai mặt đồn.

Mỗi đồn chính có từ 200 đến 250 quân, trang bị 10 khẩu súng, 40 đến 50 máy bắn đá và vài ba khẩu đại bác, riêng đồn Trung, nơi đặt tổng hành dinh quân số trên 300, 20 khẩu súng, còn máy bắn đá và đại bác được trang bị như các đồn chính, ngay trên nền tháp cổ có xây một tháp canh (còn gọi là thang trong) bằng gạch cao hơn 10m, có bậc thang phía trong.

Khi lập căn cứ Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kêu gọi nhân dân tham gia kháng chiến, kể cả việc tranh thủ sự giúp đỡ của quân triều đình ở ba tỉnh miền Tây.

Nhờ vậy trong hàng ngủ của ông có nhiều thành phần tham gia: Nho sĩ, điền chủ, nông dân … gồm người Việt, Hoa, Khơ me, ngay cả lính Pháp, lính Tagal cũng bỏ hàng ngủ theo về. Cuộc kháng chiến ở Đồng Tháp Mười rõ ràng là sự hợp tác giữa những người yêu công lý, chuộng tự do, không phân biệt tầng lớp, màu da, sắc tộc. Nghĩa quân ở Đại bản doanh Gò Tháp, 03 đồn chính và hơn 10 đồn phụ với hơn 2000 người.

Lực lượng chính là quân đồn điền tại chổ, lúc bình thường thì theo công việc đồng áng tích lũy lương thực, lúc rỗi thì luyện tập võ nghệ, khi có giặc thì được điều ra trận chiến đấu.

Lực lượng nghĩa quân của Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều đã làm cho giặc Pháp mất ăn mất ngủ với lối đánh du kích dựa vào địa thế hiểm trở sình lầy của thiên nhiên hoặc ban đêm ra tập kích các đồn giặc ở Cái Bè, Cái Lậy, Mỹ Quí, Doi Me … Ngoài ra nghĩa quân của Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều còn liên quân với Khơ-me (liên quân Việt – Khơ-me) do Poucombo lãnh đạo đánh nhiều trận ở Tây Ninh (07/6/1866), ở Rạch Vinh (14/6/1866), ở Thuận Kiều, Trảng Bàng (24/6/1866) và từ ngày 02/7 đến ngày 11/7/1866 liên quân Việt –Khơme còn chạm trán với Pháp trong các trận: Trà Vang (Tây Ninh),Tây Ninh, Củ Chi, Hóc Môn, Trảng Bàng, Long Trì (Tân An), Bình Thới … đã tiêu diệt rất nhiều quân lính và sĩ quan Pháp, Pháp phản đối quyết liệt với triều đình Huế cho rằng nghĩa quân hoạt động mạnh là do triều đình làm ngơ, thậm chí còn cố ý trợ giúp. Do vậy bất đắc dĩ, vua Tự Đức phải ra Chỉ dụ ngày 07/6 năm Tự Đức thứ 19 (1866) tầm nã Achaxoa và Võ Duy Dương.. kỳ thực bên trong lại ngầm ý khác.

Trong quá trình lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Nam kỳ, với tài lãnh đạo của ông, nghĩa quân đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Đặc biệt là trận đánh úp đồn Mỹ Trà (22/7/1865), sau thời gian theo dõi sát tình hình Pháp đóng đồn Mỹ Trà, Võ Duy Dương cùng bộ tham mưu bàn bạc kế hoạch đánh úp đồn này. Lực lượng cảm tử của Võ Duy Dương dùng chiến thuật đánh bất ngờ đã tiêu diệt được tên chỉ huy và nhiều lính Pháp, thu nhiều chiến lợi phẩm, nghĩa quân rút êm an toàn. Trận này tạo được nhiều tiếng vang, khích lệ tinh thần nghĩa quân hăng say chiến đấu. Bị thiệt hại nặng nề, bọn Pháp vô cùng tức tối mở nhiều đợt càn quét cướp bóc, truy tìm nghĩa quân tiêu diệt.

Đến tháng 4/1866, chúng mở cuộc hành quân lớn vào Tháp Mười nhằm mục đích tiêu diệt trung tâm kháng chiến với lực lượng gần 1000 thủy - lục quân, nhiều đại bác và tàu chiến, 100 lính Pháp, 250 lính mã tà. Thiếu tá P’erome và các đại úy Boube’e, Paris de la Bollardiere, Gally, Bassebose cùng Quản Tấn, huyện Lộc chỉ huy. Lực lượng chia làm 03 mặt đồng loạt tấn công Đồng Tháp Mười:

+ Mặt 1: Từ Cái Nứa đi vào

+ Mặt 2: Từ cần Lố đi qua

+ Mặt 3: Từ Bắc Chiêng đi xuống

Thủy binh thì theo tàu chạy dọc theo các con sông để phong tỏa nghĩa quân. Sau gần một tuần lễ chiến đấu ác liệt, bốn đồn chính: Đồn Tiền, Đồn Tả, Đồn Hữu và Đồn trung lần lượt bị thất thủ, trong một trận giáp lá cà, Đốc Binh Kiều đã anh dũng hy sinh tại Đại bản doanh Gò Tháp. Nghĩa cả ấy còn được nhân dân lưu truyền qua bài thơ sau đây:

“Vì nước quên mình được chữ trung

Thương dân chi sá chỗ sình bùn

Mấy năm Đồng tháp danh vang dội

Cọp rống ngoài truông Cáo hãi hùng

Hai thước im lìm nơi thanh động

Đồng bào tưởng nhớ đứng thờ chung

Nỗi lòng nghĩ đến nhiều năm trước

Hương lửa đều không cảnh lạnh lùng”

Còn Thiên Hộ Dương, sau khi được Đốc Binh Kiều và lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn phục binh giải vây tìm hướng thoát thân và bảo toàn lực lượng. Đến tháng 10 năm 1866, trên đường công cán ra Bình Thuận, ông và đoàn tùy tùng cùng đi trên chiếc ghe đã bị bọn cướp biển giết chết tại cửa biển Thần Mẫu (Cần Giờ).

Võ Duy Dương và những tướng sĩ của ông bất tử trong truyền thống hào hùng của dân tộc và sống mãi với thế hệ mai sau. Tại quê hương ông (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, nhân dân lập Đền, thờ ông.

Phía Nam cạnh chiến hào năm xưa, một đền thờ được dựng lên vào năm 1958 để thờ Đốc Binh Kiều, bà con trong vùng xưng tụng ông là quan lớn Thượng.

Trước năm 1975, hàng năm Ban Hội hương lấy ngày 15, 16 tháng 11 (âm lịch), ngày lễ Thượng điền làm ngày vía ông.

Năm 1991 Đền thờ được sửa chữa lại, Thiên hộ Võ Duy Dương được đưa vào thờ chung với Đốc Binh Kiều tại Gò Tháp.

Ngày nay, các cấp chính quyền và nhân dân đã trùng tu tôn tạo Đền thờ hai ông kiên cố, khang trang tại khu di khu quốc gia đặc biệt Gò Tháp, để thờ hai ông nhằm tri ân công lao của hai ông đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Ngày nay, những dấu tích căn cứ chống Pháp của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều ở Gò Tháp còn để lại như: Bờ lũy, chiến hào, đồn tiền, đồn tả, một số đạn dược… là một minh chứng cho Căn cứ kháng Pháp oai hùng năm xưa.

12

Đền thờ, tượng đài Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại di tích Gò Tháp


 

 

 

Tác giả bài viết: Đặng Văn Hùng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây