Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp

http://baotang.dongthap.gov.vn


Nhà cổ Đồng Tháp - Di sản văn hóa thời khẩn hoang

Dưới triều Nguyễn (từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVII) những cư dân từ miền Bắc, miền Trung đến vùng đất Nam bộ khẩn hoang mở đất canh tác, lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhà cửa định cư lâu dài, dần dần hình thành xóm ấp, làng mạc, những thiết chế văn hóa mang tín đặc trưng, phù hợp với môi trường tự nhiên của vùng đất Nam bộ và những dấu tích đó còn được lưu truyền đến ngày nay.
Nhà cổ Đồng Tháp - Di sản văn hóa thời khẩn hoang

Nhà cổ được coi là di sản đặc sắc về làng mạc xưa, thể hiện ý chí, thành quả lao động, cùng những chính sách khẩn hoang của triều Nguyễn về “Cuộc mở cõi” phương Nam, là một trong những di sản mang đậm dấu ấn thời khẩn hoang của vùng đất Nam bộ nói chung và Đồng Tháp nói riêng, chứa đựng nhiều thông điệp của quá khứ, có giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật. Phản ánh đời sống, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại và sự phát triển xã hội qua từng thời kỳ… ở mỗi địa phương.

Nhà cổ Đồng Tháp mang nét kiến trúc dân gian truyền thống từ miền Bắc, miền Trung. Được kế thừa, cải biến để thích nghi với môi trường mới, tạo thêm không gian sinh hoạt thoáng đãng và thoải mái. Song, đó còn có sự dung hợp và giao thoa kiến trúc của nhiều dân tộc (Hoa – Việt), quốc gia (Hoa – Pháp, Pháp - Việt, Việt – Pháp – Hoa) v.v, đánh dấu sự phát triển của lịch sử kiến trúc xây dựng nước nhà, thể hiện qua hình thức, kiểu dáng. Đặc biệt, mô típ phong cách kiến trúc phương Đông - Tây phát triển song hành cùng kiến trúc nhà truyền thống của người Việt ở Đồng Tháp nói chung và cả nước nói riêng. Những ngôi nhà xưa ở Đồng Tháp (từ 70 - 80 năm) và nhà cổ từ trên 90 đến trên 100 năm còn khá nhiều. Kết cấu, kiểu dáng phong phú, đa dạng còn tương đối nguyên vẹn, gồm: nhà chữ đinh, bát dần, xếp đọi, biệt thự (kiến trúc Việt, Hoa, Pháp) v.v.

9

Nhà theo kiến trúc Việt – Pháp – Hoa

10

Nhà theo kiến trúc biệt thự Pháp

Nhà cổ ở Đồng Tháp được cất dọc hai bên bờ lộ, theo kênh rạch, yếu tố tiện lợi trong sinh hoạt “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận điền, tứ cận lộ” được chú trọng hơn yếu tố phong thủy. Đây là cách ứng xử linh hoạt của tiền nhân trong việc dựng nhà. Cất trên nền đất đắp cao hơn mặt vườn, ruộng xung quanh, nền xây gạch hoặc ốp đá chẻ. Đối với những vùng nước ngập thì cất trên cọc, sàn lót ván.

Nhà được cất theo hai dạng chính là: nhà gỗ cột tròn, vách ván hay vách xây tường chịu lực bằng gạch, ô dước. Khung gỗ, kết cấu vì kèo “ăn mộng” âm dương, chốt gỗ tiện lợi trong việc tháo dỡ (không sử dụng đinh kim loại), sử dụng các loại gỗ quí như: căm xe, cà chất, kiền kiền, dên dên v.v. mái lợp ngói âm dương hay ngói móc.

Dạng thứ hai, đối với những gia đình giàu có sử dụng vật liệu hiện đại để xây cất. Vật liệu, gạch, ngói, ô dước, xi măng v.v. đôi khi được đặt mua từ bên Pháp.

Ở nhà cổ, bên trong đều có trang trí liễn đối, bao lam, hoành phi v.v. theo nội dung nho giáo khuyến nhủ, giáo dục đức hạnh con người, nuôi dạy con cháu ngoan hiền, giữ gìn lễ giáo gia phong, học hành đỗ đạt… hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống.

Các đồ án trang trí theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX) với các đề tài tứ thời: mai. lan, cúc, trúc; tùng, lộc, uyên ương, hoa dây, dơi, lựu, tứ linh: long, lân, qui, phượng… chạm trổ tinh xảo, đường nét mềm mại, uyển chuyển đạt trình độ nghệ thuật cao, được thực hiện bởi đôi tay tài hoa của những người nghệ sĩ điêu khắc dân gian xưa.

Đến những ngôi nhà cổ ta thấy sự bài trí ở đây rất hài hòa, ngăn nắp, tỉ mỉ, tiện ích trong sinh hàng ngày của gia đình. Nhà thường được chia hai khu vực chính:

Nhà trên: phần trước căn nhà là nơi tiếp khách và thờ phụng tổ tiên. Chính giữa là nơi đặt bàn thờ và bàn độc, hai bên phía trước là bộ trường kỷ, hai bên trường kỷ là hai bộ ngựa (có nơi gọi là bộ ván, bộ phản) phía trước hàng ba hay thảo bạt là nơi tiếp khách hay uống trà hàng ngày. Phía sau nhà trên, sau vách bàn thờ là nơi để những đồ đạc có giá trị hay buồng ngủ của những phụ nữ trong nhà.

Nhà dưới: nơi diễn ra sinh hoạt hàng ngày của gia đình, nấu nướng, ăn uống, may vá, để nông cụ sản xuất v.v.

Theo số liệu khảo sát hiện nay, địa bàn tỉnh Đồng Tháp số lượng nhà cổ còn 66 nhà (trong đó có 22 nhà từ 90 năm đến 99 năm; 44 nhà từ 100 năm trở lên). Tập trung ở các địa phương như: thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh, huyện Châu Thành, Lấp Vò, Thanh Bình, huyện Hồng Ngự, Lai Vung. Đặc biệt, Cù lao Long Khánh, huyện Hồng Ngự là địa phương có số lượng nhà cổ nhiều nhất: 24 nhà.

Những ngôi nhà cổ còn tồn tại đến ngày nay ở tỉnh Đồng Tháp là di sản văn hóa của tiền nhân thời khẩn hoang thực hiện ước vọng “An cư lạc nghiệp”. Nó là tổ ấm, nơi sinh hoạt và thờ cúng tổ tiên, ông bà qua nhiều thế hệ. Được kế thừa, gìn giữ, lưu truyền các giá trị về vật chất, tinh thần, kinh nghiệm lao động sản xuất, nuôi dạy con cái và nền nếp gia phong lễ giáo v.v. để giáo dục con cháu trở thành những công dân có ích cho xã hội.

 

Tác giả bài viết: Đặng Văn Hùng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây