Câu chuyện bông bụp

Thứ hai - 28/08/2017 10:34
Câu chuyện bông bụp

Xứ mình có nhiều hoa thì ai ai mà không biết đến. Nói chuyện về hoa thì chắc không ai rành rẽ hơn bà con nghệ nhân làng hoa Sa Đéc. Nào là, hoa miền nhiệt đới truyền thống. Nào là, hoa đem từ xứ ôn đới Đà Lạt về những tưởng không thể phát triển được thì bà con cũng thuần phục ngon lành. Nào là, hoa nội địa có từ bao đời nay. Nào là, hoa được du nhập từ nước ngoài. Vậy là “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” trong Thành phố bốn mùa hoa. Có những loài hoa đẹp rực rỡ kiêu sa, nhưng cũng có những loài hoa đẹp khiêm nhường, e ấp.
 

bụt
bông bụt có hình dáng giống cái lộng


Trong trăm loài hoa đó, có một loài hoa mà bà con gọi dân dã là Dâm Bụt, mà ý nghĩa của nó vô cùng thú vị. Đó là một loài hoa gắn liền với sự từ bi, che chở của Phật. Ngay cái tên của nó cũng đã gắn liền với sự hiền từ rồi. Dân gian cho rằng, loài hoa này vốn có tên gốc là “hoa Dâng Bụt“ (hoa để dâng lên cho Bụt, tức Phật), về sau do đọc trại mà thành “Dâm Bụt“? Nhưng cũng có người nói chữ "Dâm" hay “Râm“ là che bóng, còn chữ "Bụt" là Phật! Vậy cái tên "Dâm Bụt" phải chăng là cái lọng che Phật vì hoa có hình dạng na ná như cái lọng vậy? Chắc còn nhiều tranh cãi về cái tên mang ý nghĩa của loài hoa này. Nhưng thôi thì hãy gọi một cái tên thật nôm na của quê mình, đó là bông bụp!
Lá của cây bông bụp có một công dụng tuyệt vời mà chắc chỉ có người làm bột lâu đời ở 2 bên bờ rạch Ngã Bát - Sa Đéc mới phát hiện ra. Đó là, làm chất trợ lắng trong quy trình làm bột, một kỹ thuật gia truyền độc đáo mà thiếu nó thì có lẽ bột Sa Đéc không trắng, không trong, không độc đáo đến được như vậy - đó chính là làm từ lá cây bông bụp. Người làm bột nhận ra rằng, nhựa nhớt của lá bông bụp giúp làm trong nước bột trắng xanh, dễ lắng cặn. Không biết ai là người đầu tiên phát hiện ra công dụng kỳ diệu này?
 

cong dung tri mun bat ngo cua la dam but 3
Bông và lá 


Người ta nói bột là cuộc đời thứ hai của hạt gạo quê mình. Và, từ một ngành nghề truyền thống “cha truyền con nối”, bột Sa Đéc nay đã nức tiếng gần xa. Người Sa Đéc nói với nhau rằng: “Đỉnh cao của lúa gạo phải tính đến sản phẩm sau gạo” - ý muốn nói bột và những loại bánh, thực phẩm từ bột. Bột Sa Đéc không chua, có độ dai, vị ngọt, mềm nhưng không bở. Độ dai có được do một loại nước vò từ đọt cây Bông bụp chứ không hề dùng hàn the.
 

làm bột
nghề làm bột truyền thống ở Sa Đéc


"Tài hoa kết tinh thành giá trị". Người Sa Đéc ở 2 bờ con rạch Ngã Bát có thể tự hào đã tạo nên thương hiệu nức tiếng gần xa, vươn ra cả nước ngoài bằng tài hoa của đôi tay và khối óc, biến những sản phẩm quá đổi đời thường như tấm gạo, Bông bụp thành một thương hiệu nhiều giá trị. Lướt qua các trang mạng thì Bông bụp còn chứa nhiều chất dược liệu có lợi cho sức khoẻ nữa, ở nhiều nơi trên thế giới còn được người ta được sử dụng như một loại trà. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong bông bụp có một chất chống oxy hoá, vitamin C và các khoáng chất khác nên nó có thể ngăn ngừa tổn thương tế bào từ quá trình oxy hoá... Vậy mà chưa hết đâu, nó còn có đặc tính kiểm soát cholesterol giúp làm hạ huyết áp nữa đó!

Không chỉ bông bụp, có nghệ nhân ẩm thực cho rằng hầu hết các loài hoa, ngoài để trưng bày cho đẹp đều có thể chế biến thành những món ăn, thức uống ngon lạ. Vậy đó, người ta làm giàu không chỉ dựa trên sản xuất và bán nông sản thô mà chủ yếu dựa vào sự thông minh để chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Nếu chỉ sản xuất và bán thô thì chỉ hưởng lợi nhuận ở một phân khúc thấp nhất mà thôi!

Từ trước tới giờ, bà con làm bột cũng như hầu hết những người sản xuất khác đều làm ra sản phẩm rồi đem bán. Quan niệm kinh doanh hiện đại thì khác rồi. Người ta cho rằng "bán giá trị chứ không phải bán giá cả" hoặc "bán một câu chuyện kể về sản phẩm". Chính tư duy như vậy, người ta mới chăm chút cho sản phẩm sao cho mang đến giá trị sử dụng cao nhất cho người tiêu dùng. Nếu là đồ ăn thức uống thì không chỉ ngon, sạch mà còn có lợi cho sức khoẻ. Xu hướng ngày nay là người ta sử dụng những chất được chiết xuất từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường thay cho lạm dụng hoá chất trong chế biến và bảo quản thực phẩm.

Vậy là, ngoài nguồn nước của con rạch Ngã Bát, thì Bông bụp phải chăng cũng là "câu chuyện kể" về những viên bột và làng nghề làm bột của Sa Đéc quê mình. Nhưng có một câu chuyện vượt lên tất cả là tài hoa và sự tử tế của những người làm bột. Nhờ đó, những viên bột mới đi xa, mới chuyển hoá trở thành những món ngon trên bàn ăn của hàng triệu người Việt trên khắp các vùng quê và cả người nước ngoài. Vậy, đáng tự hào lắm chứ, đáng tôn vinh lắm chứ!
 

hàng rào
hàng rào bông bụt có hoa đẹp, lá là một nguyên liệu làm bột của người dân Sa Đéc

Từ kinh nghiệm sản xuất ra được sản phẩm tốt nhất đến kỹ năng kinh doanh sao cho thu được lợi nhuận cao nhất là cả một hành trình dài lắm. Hành trình đó cần đến kiến thức, bắt đầu bằng đa dạng hoá sản phẩm, rồi làm bao bì sao cho bắt mắt, tạo kênh phân phối ổn định, xây dựng và quảng bá thương hiệu để thị trường ngày càng rộng mở.

Trên hành trình đó ai là người khơi gợi, truyền cảm hứng để bà con thay đổi nhận thức về sản xuất kinh doanh? Ai là người luôn cận kề, hỗ trợ trên từng bước chân của bà con? Nói là phải làm chứ đừng hụt hơi bỏ đó! Nghị quyết là phải có kế hoạch hành động cụ thể với những con người chịu trách nhiệm cụ thể trên những việc làm cụ thể. Đừng để bà con tự bơi và có thể chết chìm giữa muôn trùng sóng gió của thị trường!

Nguyễn Trãi, một nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn hoá lớn của dân tộc đã có bài thơ về loài hoa bình dị này: "Ánh nước hoa in một đoá hồng/Vẩn nhơ chẳng bén, Bụt là lòng/Chiều mai nở chiều hôm rụng/Sự lạ cho hay tuyệt sắc không". Thật thú vị về một loài hoa mang tên bông bụp!

Tác giả bài viết: Xích Lô; ảnh internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

banner CDS
banner CDS
banner CDS
TKVB
 
QPPL
1022
TCD
BVHTTDL
CTTDTDT
LCT
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay152
  • Tháng hiện tại24,684
  • Tổng lượt truy cập1,129,984
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây